Du lịch
Khi theo học ngành Du lịch học, sinh viên có thể lựa chọn theo hai chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch và Quản lý du lịch. Khi tốt nghiệp, sinh viên học Hướng dẫn viên du lịch có thể đảm nhận các công việc như: hướng dẫn viên du lịch; điều hành tour; chuyên viên tại các sở, ban, ngành du lịch; chăm sóc khách hàng; quản trị và tổ chức sự kiện; giảng dạy tại các cơ sở đào tạo lữ hành; giám sát - điều hành tại các cơ sở lưu trú hoặc doanh nghiệp lữ hành. Với chuyên ngành Quản lý du lịch, người học có thể đảm nhận được các công việc: nghiên cứu thị trường, quảng bá và xúc tiến du lịch; nghiên cứu phát triển và quản lý du lịch (thuộc các cơ quan nghiên cứu và quản lý du lịch); giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có đào tạo về du lịch; làm chuyên viên tại các trung tâm du lịch, sở, ban, ngành liên quan đến du lịch.
Quản trị khách sạn
Người học tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn có thể đảm nhận các công việc như: giám sát, điều hành ở các bộ phận trực tiếp cung ứng dịch vụ hoặc làm chuyên viên cho bộ phận chức năng trong những cơ sở kinh doanh khách sạn và các cơ sở lưu trú khác. Giám sát, điều hành ở các bộ phận trực tiếp cung ứng dịch vụ. Quản lý và điều hành hoạt động của khách sạn thuộc nhiều quy mô và đẳng hạng khác nhau. Chuyên viên tại đơn vị kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, kể cả các nhà hàng – khách sạn do người nước ngoài đầu tư; chủ đầu tư, chuyên gia quản lý doanh nghiệp về khách sạn và cơ sở lưu trú khác; chuyên viên tại các sở, ban, ngành du lịch. Sau khi tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng và hội đủ điều kiện theo quy chế chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên có thể tiếp tục học thêm lấy văn bằng II hoặc những văn bằng cao hơn. Tham gia giảng dạy và nghiên cứu ngành Quản trị khách sạn tại các trường đại học, cao đẳng…
Quản trị Nhà hàng và dịch vụ ăn uống
Sau khi ra trường, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Nhà hàng và dịch vụ ăn uống có thể làm việc và nắm bắt cơ hội thăng tiến nghề nghiệp tại các nhà hàng - khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, chuỗi nhà hàng, chuỗi cà phê, các khu resort, trung tâm tổ chức sự kiện - hội nghị - tiệc cưới, các công ty du lịch… Các bạn có thể trở thành chuyên viên tổ chức sự kiện ẩm thực, chuyên viên tư vấn kinh doanh và điều hành các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống; hoặc có thể làm việc, giảng dạy trong các trường nghề, cao đẳng và đại học chuyên ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; làm chuyên viên trong các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nhà hàng và dịch vụ ăn uống và các doanh nghiệp khác…
Việt Nam học
Đối với ngành Việt Nam học, cơ hội việc làm của sinh viên ngày càng rộng mở và thuận lợi. Với kiến thức và các kỹ năng được nhà trường trang bị, người học có thể đảm nhiệm công việc ở các lĩnh vực như: Hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên viện bảo tàng; tư vấn về Việt Nam học cho các công ty, tập đoàn quốc tế tại Việt Nam; làm công tác nghiên cứu, quảng bá tại các cơ quan văn hóa thông tin của nhà nước; tham gia giảng dạy về Việt Nam học từ bậc cao đẳng trở xuống; làm việc trong các tờ báo, tạp chí, các cơ quan truyền thông và xuất bản.
Thực tiễn và thực hành
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cao cấp, phù hợp với thực tiễn, Khoa Du lịch & Việt Nam học Đại học Nguyễn Tất Thành đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở phòng thực hành gồm nhà hàng, bếp, bar, buồng/phòng khách sạn, lễ tân, lữ hành… theo tiêu chuẩn 4 - 5 sao với các thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập cho người học. Đặc biệt, năm 2019, Khoa đã tiếp nhận tổ chức và quản lý hệ thống căng tin của Nhà trường. Đây là môi trường thuận tiện để người học tiếp cận với thực tiễn, cũng như khởi nghiệp.
Năm 2020, Trường tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cơ sở thực hành của Khoa, bao gồm khách sạn, nhà hàng, bếp, bar đạt chuẩn 4 - 5 sao tại một trung tâm thương mại (Q7, TP. Hồ Chí Minh). Đây là bước đầu xây dựng chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn của Khoa, tạo môi trường thực tập thực tế và cơ hội việc làm sau khi ra trường của người học.
Với mục tiêu tạo lập môi trường học tập trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp cho người học, kết nối với doanh nghiệp là một chiến lược trọng tâm của Khoa. Nhận thức được tầm quan trọng này, Khoa đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối với doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến nay, Khoa đã kết nối với hơn 200 doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để đưa người học đi thực tập, tạo cơ hội việc làm cũng như hợp tác đào tạo và xây dựng hệ thống đội ngũ giảng viên đến từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa còn kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc khối du lịch, văn hoá, sự kiện; các Hiệp hội Đào tạo Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam, Hội đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và các trường đào tạo về du lịch... để đáp ứng các nhu cầu của người học.
Đặc biệt, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được định hướng là trường đại học ứng dụng thực hành, đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học đại chúng, thông qua việc tạo lập một môi trường học tập tích cực và trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Đồng thời, trường còn trang bị cho người học năng lực tự học, tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng hội nhập trong khu vực và toàn cầu.
Với sự nổi trội về hệ thống cơ sở vật chất, phương hướng, giáo trình giảng dạy, cách thức quản lý cũng như kiến thức thực tế mang lại cho người học, Khoa Du lịch & Việt Nam học Đại học Nguyễn Tất Thành đã nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm của quý phụ huynh, người học. 2.500 người đang theo học hiện tại là con số biết nói của Khoa Du lịch & Việt Nam học, thể hiện năng lực đạo đào thực chất của Khoa cũng như nhà trường. Rất nhiều sinh viên trong số đó theo học nhóm ngành Du lịch.
Thanh Tùng