
Kế hoạch nhằm đánh giá việc thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập (nếu có); đề xuất giải pháp hoàn thiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí) triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, kế hoạch cũng nhằm tổ chức tuyên truyền bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả của các đơn vị, địa phương trên các phương tiện truyền thông.
Theo đó, nội dung kế hoạch bao gồm việc xây dựng báo cáo tổng kết thí điểm Bộ tiêu chí tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, An Giang, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung vào các nội dung chính sau: đánh giá thực trạng hiểu biết của người dân tại địa bàn thí điểm về các tiêu chí ứng xử trong gia đình; đánh giá tình hình, tác động của việc áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí đối với các gia đình cũng như sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa bàn thí điểm, nguyên nhân và hướng giải quyết; có sự so sánh với các địa bàn không thực hiện thí điểm. Thống kê các kết quả đạt được về tình hình xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, kết quả tổ chức thực hiện thí điểm; đề xuất, kiến nghị của địa phương về việc hoàn thiện và thực hiện Bộ tiêu chí trong thời gian tới; báo cáo tổng kết của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có đầy đủ thông tin, số liệu, dữ liệu về kết quả triển khai, tổ chức thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí, được minh họa bằng các sản phẩm truyền thông, tư liệu, tài liệu đã được sản xuất, phát hành.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa - công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Quá trình này không chỉ tác động đến các vấn đề kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội mà còn làm biến đổi các giá trị gia đình. Mặt khác, xã hội phát triển không ngừng, làm phát sinh những tệ nạn, những vấn đề của xã hội vì thế để các gia đình thật sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thì cần từng thành viên trong gia đình luôn nỗ lực học tập, trao đổi và ứng xử chuẩn mực hơn để tạo nên nếp nhà. Vì lẽ đó, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa phải tiến hành song song với quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bản sắc dân tộc. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ban hành Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL về ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Bộ tiêu chí nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được áp dụng cho các thành viên trong gia đình với 4 tiêu chí ứng xử chung là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ, xoay quanh 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình: tiêu chí ứng xử vợ chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.
PV