Trong đó chiến lược hướng tới mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.
Đồng thời, củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch Việt Nam; khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững; tăng lượng truy cập website, lượng thành viên tham gia các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của các hoạt động marketing kỹ thuật số; cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Chiến lược được phân khúc thành các định hướng chủ yếu, về định vị thương hiệu Việt Nam, tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.
Về sản phẩm du lịch, Chiến lược tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ yếu như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị; đặc biệt là các loại hình, sản phẩm du lịch mới (du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao); các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch (du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp).
Định hướng về thị trường khách quốc tế, trong giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống; đồng thời, kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ và các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, châu Đại dương.
Thị trường khách du lịch nội địa phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.
Ngoài ra, Chiến lược còn định hướng về quảng bá, xúc tiến, trong đó tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam ở các thị trường mục tiêu; triển khai các hoạt động marketing thông qua các kênh, công cụ với thông điệp rõ nét về điểm đến, trải nghiệm; tổ chức các chiến dịch marketing có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề, quy mô và hiệu ứng lan tỏa cao; tăng cường hoạt động marketing kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu nhằm giới thiệu hình ảnh mới của du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19; tổ chức các chiến dịch quảng bá Việt Nam là điểm đến chất lượng với các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu đẳng cấp quốc tế, các sự kiện thu hút phân khúc thị trường cao cấp…
Nhằm triển khai hiệu quả công tác marketing du lịch, Chiến lược đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó hướng tới đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch; nâng cao năng lực marketing du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Tổng cục Du lịch chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược, bao gồm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức sơ kết, tổng kết. Quỹ Phát triển du lịch cùng các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành; hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược.
Thảo An