Chủ động kết nối
Theo thông tin từ Sở Du lịch Lào Cai, từ ngày 8/1/2023 hoạt động kinh tế, thương mại và du lịch với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai chính thức được tái khởi động. Sau hơn 01 tháng, trung bình cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai có từ 1.500 - 2.000 lượt người làm thủ tục xuất nhập cảnh, phần lớn là công dân tại thành phố Lào Cai sang Hà Khẩu thăm thân, mua sắm, du lịch. Mỗi ngày có từ 200 - 400 lượt người Trung Quốc, chủ yếu ở khu vực thị trấn Hà Khẩu, Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch hiện tại chủ yếu là tự do, cá nhân bằng Giấy thông hành. Các hoạt động đưa đón khách du lịch thông qua doanh nghiệp lữ hành giữa hai bên vẫn tạm dừng chưa được kết nối trở lại. Do chưa có hoạt động đưa đón đoàn khách giữa doanh nghiệp lữ hành hai bên tổ chức, vì vậy hoạt động du lịch tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai hiện rất khó quản lý, hiện nay xuất hiện tình trạng cá nhân làm các dịch vụ trung gian (làm Hộ chiếu, Giấy thông hành; bán combo, bán chương trình (tour) du lịch...) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp, quyền lợi của khách du lịch cũng như quyền lợi của các doanh nghiệp lữ hành.
Thời gian qua, Sở Du lịch Lào Cai đã liên hệ, kết nối với chính quyền Châu Hồng Hà (Trung Quốc) và các cơ quan liên quan phía bạn (đặc biệt là Cục Văn hóa Du lịch Châu Hồng Hà) để họp, bàn các biện pháp mở cửa đón khách du lịch giữa Lào Cai - Việt Nam và Châu Hồng Hà - Trung Quốc, tái khởi động chương trình (tour) du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến” theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc đối ngoại.
Nhằm thực hiện “Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” và “Biên bản Hội nghị giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) năm 2022”; qua trao đổi, ngày 18/1/2023, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai và Cục Văn hóa và Du lịch Châu Hồng Hà thống nhất ký kết Bản ghi nhớ với nội dung:
Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác, trao đổi cung cấp thông tin có liên quan đến thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu và các quy định về phòng, chống dịch bệnh của hai nước; cung cấp đầu mối tiếp nhận thông tin hỗ trợ, phản ánh về những bất cập phát sinh của doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình tham quan, du lịch tại hai bên; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch; luân phiên tổ chức một cuộc gặp mặt giữa đại diện Hiệp hội du lịch, các công ty lữ hành của tinh Lào Cai và Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hợp tác kinh doanh lữ hành, xúc tiến và quảng bá du lịch định kỳ hàng năm. Mỗi bên chủ trì tổ chức mời 01 đoàn doanh nghiệp du lịch hoặc tuyên truyền sang cùng nhau khảo sát, xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch mới; thúc đẩy khôi phục chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia sáu điểm đến”: Côn Minh - Mông Tự (Trung Quốc) - Sa Pa, Lào Cai - Hà Nội - Đảo Cát Bà, Hải Phòng - Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh (Việt Nam) thành sản phẩm du lịch chính của doanh nghiệp mỗi bên.
Hai bên trao đổi, kết nối để Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tham gia Hội chợ du lịch được tổ chức tại mỗi bên (Hội chợ du lịch quốc tế tại Côn Minh - Vân Nam, Trung Quốc và Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội, Việt Nam); hợp tác khởi động Chương trình du lịch địa chỉ đỏ "Theo chân Bác Hồ" tại các địa danh lịch sử nổi tiếng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng tại thành phố Mông Tự - Ga Diêu Trì (châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam) trong giai đoạn từ 1940-1941.
Bên cạnh đó, hai bên phối hợp nghiên cứu, khảo sát và báo cáo cấp thẩm quyền hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCH Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa nhằm sớm khai thác tuyến xe chở khách du lịch đến “Hai quốc gia sáu điểm đến”; xem xét thí điểm triển khai hình thức du lịch bằng xe tự lái với các điều kiện kèm theo của các bên.
Doanh nghiệp kỳ vọng nối lại tour với Trung Quốc
Hiện các doanh nghiệp du lịch Lào Cai đã và đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng kết nối lại các tour với Trung Quốc. Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lalaland (Lalaland Travel Sa Pa) cho biết, mỗi ngày công ty tiếp nhận nhu cầu làm sổ thông hành từ 300 đến 500 khách du lịch. Tuy chưa tổ chức được các tour du lịch dài ngày vào sâu nội địa, nhưng nhu cầu du lịch tại cửa khẩu trong ngày của du khách khá cao, thủ tục xuất cảnh cũng đơn giản nên hoạt động du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai vẫn diễn ra nhộn nhịp. Đây là tín hiệu đáng mừng nên chúng tôi rất lạc quan, sẵn sàng chờ đợi để được thiết kế các tour dài ngày khi Trung Quốc nối lại tour với Việt Nam.
Ông Hà Văn Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Vietup cho biết: Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành gặp khó khăn do vắng bóng khách du lịch. Phần lớn nhân viên, hướng dẫn viên du lịch đã nghỉ việc hoặc lựa chọn công việc khác. Bởi vậy, thời điểm này, việc tuyển dụng lại nhân sự, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ là công việc ưu tiên hàng đầu của các đơn vị lữ hành.
Bên cạnh đó, một số đơn vị lữ hành đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng lại tour, chương trình du lịch, sẵn sàng khi tour du lịch Trung Quốc - Việt Nam được kết nối trở lại.
Ngoài ra, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đã quan tâm sửa chữa, nâng cấp, thay thế cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng, rà soát, bổ sung kịp thời nguồn lao động còn thiếu và đào tạo nguồn lao động, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch gồm ăn uống, mua sắm, lưu trú, vui chơi giải trí, lữ hành… tập trung rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực du lịch.
Lan Phương