Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2015
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, hội nghị cần đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt trong công tác quản lý lễ hội thời gian qua; thảo luận thực trạng, những vấn đề đặt ra cần tháo gỡ và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý lễ hội trong thời gian tới.
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), lễ hội dân gian là di sản văn hóa quý giá của dân tộc, là nơi sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Cả nước có khoảng 7000 lễ hội dân gian. Năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2015 được tổ chức đúng quy định pháp luật, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân. Những khó khăn, yếu kém trong quản lý và tổ chức lễ hội những năm trước đã cơ bản được khắc phục, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân. Ý thức của người tham gia lễ hội ngày một cao hơn, hạn chế được tình trạng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, ném, thả tiền xuống giếng, ao, hồ. Đối với những lễ hội còn duy trì các tập tục không còn phù hợp và được xã hội quan tâm như chém lợn, đập đầu trâu, cướp phết, cướp lộc, Bộ VHTTDL đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, trong mùa lễ hội 2015 vẫn còn tồn tại biểu hiện của thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội. Điều này vi phạm Quy chế tổ chức, đồng thời làm giảm giá trị của lễ hội. Vẫn còn hiện tượng đốt nhiều vàng, mã không đúng nơi quy định ở một số du tích, lễ hội gây tốn kém, lãng phí.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, biến tướng trong lễ hội; phối hợp với các ban, ngành đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong các lễ hội.
Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ VHTTDL thực hiện chấm điểm công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian trên toàn quốc thông qua các tiêu chí, thang điểm cụ thể. Việc chấm gồm 3 phần: do địa phương tự chấm, cơ quan báo chí chấm và cơ quan nhà nước chấm.
Kết quả, có 8 tỉnh, thành phố đạt loại A, chiếm tỷ lệ 12,69% gồm: Hà Nam, Long An, An Giang, Hải Dương, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thừa Thiên- Huế. Có 25/63 tỉnh, thành phố đạt loại B; 1/63 tỉnh, thành phố đạt loại C. Có 29/63 tỉnh, thành phố không gửi kết quả tự chấm điểm nên không được xếp loại, chiếm hơn 46%./.
Nhâm Hiền