Đây là bản sửa đổi, bổ sung thứ 6 của dự thảo Luật Du lịch mà Tổng cục Du lịch trình Bộ trưởng (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện. Nhìn chung, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này đã cơ bản thể chế hóa được Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sau khi nghe báo cáo bản sửa đổi Luật Du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị phía Tổng cục Du lịch cần tiếp tục tham khảo, lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Bộ, ngành liên quan; sớm hoàn thiện dự thảo và báo cáo giải trình đầy đủ, thuyết phục các phương án đưa ra và báo cáo giải trình tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước để trình Quốc hội trong kỳ họp tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung vào bản dự thảo; trong đó, tập trung một số điều như nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch của Nhà nước chỉ mang tính kích cầu, ưu tiên cho các nguồn lực xã hội hóa. Khi đưa các hành vi vào Luật phải làm rõ hành vi nào là bị cấm, hành vi nào bị xử phạt bởi có một số hành vi chế tài xử phạt rất khó thực thi. Đặc biệt, các hành vi phân biệt, đối xử với khách du lịch phải đưa vào danh mục cấm.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Luật Du lịch khi được ban hành phải thể hiện được đặc thù riêng của ngành Du lịch và hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Trong Dự thảo Luật Du lịch trình Quốc hội lần tới, Tổng cục Du lịch cần bổ sung, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các Hội Du lịch, các doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch khi chính thức kinh doanh trong ngành nghề này; các khái niệm, từ ngữ trong Luật cũng cần phải làm rõ như việc xếp hạng sao cho hệ thống khách sạn không phải là điều kiện kinh doanh mà đó là sự thể hiện của chất lượng dịch vụ.
PV