Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị tập trung tuyên truyền phổ biến đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT về tác hại, hậu quả, hiểm họa của tệ nạn ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới; chú trọng tuyên truyền theo chủ đề “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy” thông qua việc phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách mới trong công tác cai nghiện ma túy, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, động viên các gương người cai nghiện thành công, các mô hình hỗ trợ người nghiện có hiệu quả tại cộng đồng, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống ma túy trong toàn Ngành. Đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng loại đối tượng, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao: lái xe kinh doanh vận tải, học sinh sinh viên tại các cơ sở đào tạo, người lao động tại các công trình xây dựng của Ngành... Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, tập huấn với nội dung, hình thức đa dạng; treo băng rôn, khẩu hiệu tại cổng ra vào cơ quan, trên các phương tiện giao thông; đăng tải trên báo ngành về tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy.
Các đơn vị kinh doanh vận tải cần tăng cường công tác khám, quản lý sức khỏe người lái xe theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát xét nghiệm phát hiện sử dụng ma túy (đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới, ma túy đá, thuốc lắc, cần sa...); lập hồ sơ theo dõi nhằm quản lý chặt chẽ tình trạng sức khỏe của người lái xe.
Kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm theo Chỉ thị số 362/CT-BGTVT ngày 30/9/1996 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên cùng cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016”.
PV