Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Thời gian qua, số vụ tai nạn đuối nước liên tục xảy ra là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch địa phương. Do vậy, tại hội nghị rất mong đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đánh giá, phân tích và lựa chọn những giải pháp tối ưu, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của Bình Thuận nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách khi tham gia các hoạt động vui chơi, tắm biển, góp phần xây dựng hình ảnh Bình Thuận xanh đẹp, thân thiện và an toàn.
Du lịch Bình Thuận đã được xác định là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh với tốc độ phát triển khá nhanh và bền vững. Hạ tầng kỹ thuật luôn được đầu tư, các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng, nhất là các loại hình du lịch biển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 bãi tắm công cộng và tự phát thường xuyên có du khách và nhân dân đến tắm biển. Nhưng do đặc điểm dòng chảy tại mỗi bãi tắm không giống nhau nên những người làm công tác cứu hộ, cứu đuối phải hiểu rõ về con nước, địa hình tại khu vực biển mình phụ trách để làm tốt công tác ứng cứu. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc cho biết thêm: “Ngành Du lịch luôn chủ động hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở các địa phương, cơ sở lưu trú thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách tại hồ bơi, bãi tắm biển. Đồng thời, thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu đuối cho nhân viên các Ban Quản lý du lịch và cơ sở lưu trú”.
Theo nhận định của các địa phương ven biển thường có đông du khách như thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Phú Quý, nguyên nhân của những vụ đuối nước một phần là do thời tiết xấu, dòng chảy biển khá phức tạp, trong khi người dân và du khách lại thiếu kiến thức về biển, chủ quan, vẫn xuống tắm biển dù thời tiết xấu và cảnh báo của các cơ sở lưu trú cũng như lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, công tác chủ động phòng ngừa, cảnh báo và xử lý các vấn đề cứu hộ, cứu nạn chưa thật sự nhanh chóng, chuyên nghiệp, phương tiện cứu hộ, cứu đuối có trang bị nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số bãi tắm tự phát lại luôn tiềm ẩn những yếu tố, nguy cơ gây nên tai nạn đuối nước.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như góp ý xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Như tăng cưởng công tác tuyên truyền phòng chống và cảnh báo trên hệ thống truyền thông; không nên bơi nếu khu vực bãi biển không có lực lượng cứu hộ; các khách sạn, nhà nghỉ gần biển cần có thêm bảng Quy tắc dành cho du khách khi tham gia tắm biển; các cờ hiệu cảnh báo phải có mẫu màu theo quy chuẩn quốc tế để du khách dễ nhận biết; phát huy vai trò tuyên truyền của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngô Minh Chính khẳng định: “Sắp tới, ngành sẽ công bố danh sách các bãi biển công cộng an toàn được tắm trên địa bàn. Đồng thời, hướng đến xã hội hóa đội ngũ cứu hộ, cứu nạn thông qua công tác hỗ trợ, tập huấn nghiệp vụ cho các ngư dân và tình nguyện viên có kinh nghiệm để cùng tham gia các lực lượng cứu hộ, cứu đuối, tham gia các đội phản ứng nhanh sẵn sàng ứng cứu khi có tai nạn đuối nước xảy ra trong các dịp cao điểm cuối tuần hay lễ tết. Cùng với việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư trang thiết bị cứu hộ, cứu đuối, tỉnh sẽ có chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về cảnh báo tai nạn, đuối nước, qua đó đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách tại các hồ bơi và bãi tắm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
Nguyên Vũ