Núi Nhạn là một trong những địa danh nổi tiếng của xứ Nẫu đã quen từ câu ca xưa: “Phú Yên có đỉnh Cù Mông / Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba”. Trên đỉnh núi có tháp Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của thành phố Tuy Hòa, được cho là có niên đại từ thế kỉ 11 - 12.
Tháp có mặt bằng hình vuông, cao 23,5m, được xây theo tỉ lệ cân đối với ba phần: đế, thân và mái. Các tầng tháp đều có phong cách giống nhau, tuy nhiên, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Chân tháp hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 10m, được ốp đá sa thạch. Giống như nhiều tháp Chăm khác, tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau, độ kết dính rất chắc nhưng hoàn toàn không thấy vết của mạch hồ. Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp. Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu, cửa và mặt chính của tháp quay về hướng Đông. Ba mặt tường còn lại đều có trang trí hoa văn và tạo hình cửa giả. Tháp Nhạn hướng về phía Đông, đó là hướng của mặt trời, của thần linh, mang ý nghĩa của sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Với kiến trúc càng lên tầng cao càng thu hẹp nên tường phía trong tháp cũng thu nhỏ dần, vòm lại theo hình chóp nón, làm cho không gian trong tháp vừa cao, vừa sâu thẳm. Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đã tạo cho tháp Nhạn một dáng vẻ vừa vững chãi vừa thanh thoát, tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao.
Vào mỗi dịp lễ, tết, mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, nhân dân trong vùng đều đến đây cầu nguyện cho cuộc sống được bình an. Tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội vía Bà - Tạ ơn Mẹ Xứ sở, vị thần đã có công dạy người dân nghề nông, nghề dệt, che chở và bảo vệ mọi người khỏi thiên tai, địch họa. Với ý nghĩa ấy, Lễ hội vía Bà (hay còn gọi là lễ hội Tháp Nhạn) là lễ hội chung của nhân dân trong vùng, của cả người Chăm và người Việt dọc khu vực miền Trung cùng hành hương, dâng hương. Ngày nay, lễ hội còn thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham dự.
HN