Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định thành lập 2 tổ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Các tổ công tác này có nhiệm vụ thu thập thông tin tại các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nắm chắc tình hình thực tế tại các cơ sở doanh nghiệp du lịch.
Mới nhất, chiều 31/1 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã cùng với Hiệp hội Du lịch tổ chức họp bàn các giải pháp để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV tại các khu du lịch, trong đó có lưu ý chuyển tiếp văn bản hướng dẫn của Sở Y tế về phòng chống dịch bệnh đến Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tính đến chiều ngày 31/1, tổng lượng khách đang lưu trú tại tỉnh Bình Thuận khoảng 19.000 người (8.600 nội địa, 10.441 quốc tế). Thông tin từ các doanh nghiệp du lịch thì số lượng khách Trung Quốc tại các cơ sở lưu trú trả phòng khá nhiều (nhất là ngày 30, 31/1). Đa số các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch đều thực hiện nghiêm túc việc không đưa đón khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phần lớn các cơ sở kinh doanh lưu trú đều chủ động trong việc phòng ngừa dịch như: khẩu trang, bao tay phát miễn phí tại lễ tân, xịt khử trùng, máy đo thân nhiệt. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho việc hủy phòng nhanh chóng, dễ dàng và có nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng như: hoàn trả tiền hoặc chuyển sang thời gian lưu trú khác. Đối với các công ty lữ hành có đưa khách đến từ vùng dịch (đặc biệt là Trung Quốc) đến Bình Thuận đã hủy phòng đã đặt trước.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện vẫn còn một số khách Trung Quốc đã lưu trú tại Bình Thuận trước đó có nhu cầu ở lại như: Hiệp Hòa, Mũi Né Home, Golden Peak… và đều được xem xét giải quyết.
Nguyên Vũ