Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là nhằm tiến tới giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá trong xã hội, đồng thời thực hiện việc kiểm soát mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, giảm tổn thất về kinh tế và sức khỏe cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Tăng cường việc thực thi nghiêm Luật PCTHTL và môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Phấn đấu 100% lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật PCTHTL; 90% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 75% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 65% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL.
Đồng thời, tăng cường việc thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc, cai nghiện, thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá. Phấn đấu 80% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc; 150 trường mẫu giáo, 100 trường tiểu học, 100 trường trung học cơ sở, 40 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; 10 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khu vực trong nhà của nhà hàng; 03 trường cao đẳng và đại học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tiếp tục thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị; 70% các công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách; 50 nhà hàng, khách sạn thực hiện mô hình quy định có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá đúng quy định của Luật PCTHTL hoặc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khu vực trong nhà của khách sạn.
Ngoài ra, Kế hoạch tập trung tăng cường năng lực cho các cán bộ kiểm tra, công an và tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật PCTHTL. Phấn đấu 100 cán bộ thanh tra/công an được tập huấn nâng cao về thực hiện môi trường không khói thuốc, Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PCTHTL. Ít nhất 1 đợt kiểm tra liên ngành về thực hiện Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh; hoặc ít nhất có 10 đợt thanh tra liên ngành có nội dung thực hiện Luật PCTHTL được lồng ghép với các chuyên đề khác.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Bình Định sẽ tập trung triển khai một số nội dung:
Thứ nhất, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Các sở, ban, ngành, UBND các cấp xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ PCTHTL; tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động PCTHTL.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo địa phương về các quy định của Luật PCTHTL, tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha), các biện pháp cai nghiện thuốc lá. Tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHTL, đặc biệt chú trọng thực hiện chương trình giáo dục và ngăn ngừa thanh, thiếu niên và học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Cung cấp pano, sổ tay, tờ rơi về PCTHTL đến các cơ quan, đơn vị trên địa nhất là các Hội, đoàn thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực đến các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, viên chức và các tầng lớp nhân dân như: mít tinh, nói chuyện chuyên đề, các hình thức hội thi, hội thảo...; tuyên truyền bằng các tranh ảnh truyền thông, pano, áp phích về Luật PCTHTL, về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá.
Thứ ba, tăng cường việc thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc và giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động PCTHTL.
Thứ tư, đào tạo, tập huấn cán bộ thực hiện công tác PCTHTL, xây dựng môi trường không khói thuốc.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Thực hiện nghiêm Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác PCTHTL, xử phạt các các nhân, tổ chức vi phạm quy định về cấm hút thuốc tại các địa điểm theo quy định của Luật PCTHTL. Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, kinh doanh thuốc lá giả và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá, việc thực hiện các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức.
TH