Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và hơn 140 công ty lữ hành của 08 tỉnh trọng điểm gửi khách tới Bình Định thời gian gần đây (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, thời gian qua, địa phương đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều chương trình làm việc với các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch lớn trong cả nước; ký kết, mở các đường bay đến các tỉnh, thành trong nước nhằm tạo sự kết nối phát triển du lịch Bình Định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định hy vọng các địa phương, doanh nghiệp sẽ hợp tác phát triển du lịch địa phương, đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn của du khách.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định trong việc tổ chức thành công đoàn khảo sát Famtrip Quy Nhơn thiên đường biển - văn hóa giao hòa thiên nhiên với sự tham gia của hơn 140 công ty lữ hành của 08 tỉnh trọng điểm gửi khách của Bình Định.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, du lịch đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được mục tiêu đặt ra, các địa phương và doanh nghiệp cần bám sát theo những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho ngành Du lịch giai đoạn tới gồm có: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị ngành du lịch tỉnh Bình Định cần chú trọng đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại thị trường khách du lịch, phục hồi thị trường khách quốc tế. Phát triển sản phẩm mới theo hướng đa dạng hóa, tăng cường liên kết, hợp tác du lịch liên tỉnh, thành phố, liên vùng. Tập trung cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, du lịch văn hoá để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh vừa hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đơn giản hóa thủ tục đầu tư đối với các dự án du lịch trọng điểm, tập trung vốn đầu tư vào khu du lịch quốc gia, các trung tâm hội chợ triển lãm, sân golf, khu nghỉ dưỡng. Đầu tư về hạ tầng, nâng cấp hạ tầng giao thông đảm bảo các phương tiện tiếp cận các khu du lịch, vùng du lịch trọng điểm của địa phương, song song với công tác nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn đầu tư lớn quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch. Phát huy hiệu quả của liên kết giữa tỉnh Bình Định với các hãng hàng không, nghiên cứu hoạt động du lịch hàng không thông qua hình thức thuê bao chuyến máy bay từ các thị trường khách trọng điểm như Đông Bắc Á.
Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước trong đó phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, biển đảo gắn với lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương và vùng miền khắp đất nước. Ông Thắng đề nghị cần xây dựng logo nhận diện thương hiệu du lịch Bình Định, xây dựng sản phẩm đặc thù của tỉnh như văn hóa - võ thuật cổ truyền, Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn, Bảo tàng Quang Trung...
Nhâm Hiền