Ly café nồng đậm
Đồng hành cùng các nhà làm phim tư liệu đến Di Linh làm một chuyến casting cho đề tài môi trường. Sau một đêm vật vờ trên xe… 5 giờ sáng, Di Linh đón chúng tôi trong cái gió gai gai, sự thay đổi khí hậu đột ngột đã làm vài người trong đoàn đã phải hừ hừ rên rẩm.
Ghé quán bên đường làm ly café cho ấm, điểm nhấn đầu tiên đã làm cả nhóm vui sướng khi thấy chủ nhà lịch kịch rang xay cafe hạt vừa chín tới theo kiểu truyền thống thật kỹ lưỡng. Cần mẫn pha từng tách café đậm đà, không quên kèm theo bình trà Olong mời mọi người. Tuy chẳng có nhãn mác bảo chứng nhưng… cả nhóm đều ngạc nhiên khi biết Di Linh nổi danh là địa chỉ cung cấp café Robusta mà dân địa phương quen gọi là café sẻ. Vị chủ quán cho biết, trong các loại café trồng trên vùng cao nguyên thì Robusta ở Di Linh có hàm lượng cafein cao nhất, nhưng mùi thơm không bằng Moka. Vì vậy, để tạo nên một loại café vừa miệng, đúng gu và an toàn thực phẩm…, với hơn 40 năm kinh nghiệm trồng – hái - bán loại hạt đậm đà hương vị, gia đình này đã phải tự nghiên cứu công thức trộn, tẩm, rang xay café theo bí quyết riêng để chinh phục trái tim người thưởng thức. Ở Di Linh, bạn có thể thoải mái tận hưởng café nguyên chất 100% (không hề có bắp hay đậu nành làm chất độn). Bên ly café thơm, thẩn thơ ngắm ba ngọn núi: Brah Yang,Yang Doan và Pantar nhấp nhô trong nắng sớm,… hình ảnh những người K’Ho gùi hàng ra chợ mua bán…, tất cả đã làm tôi say lòng dù chỉ mới đặt chân lên miền cao nguyên mơn man gió thổi.
Bâng khuâng thủ phủ Đồng Nai Thượng xưa
Cái tên Di Linh chỉ mới xuất hiện cách đây 65 năm, riêng tên cũ của Di Linh chính xác phải gọi là Djiring theo cách phát âm của người K’Ho mới chuẩn.
Cho tới nay, cái tên Djiring còn nằm trong nhiều giả thuyết vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất tại sao lại gọi như vậy. Người K’Ho sinh sống lâu đời tại mảnh đất này tin rằng Djiring là tên của một vị già làng đã có công thành lập ra buôn Thượng. Mặt khác, một số tạp chí khoa học lại khẳng định, phát âm Djiring mang ý nghĩa đây là vùng đất của ong (Jrềng). Người K’Ho đã lập làng và sinh sống bằng nghề lấy mật ong rừng, tiếng K’Ho gọi là Jrềng, rồi viết sai là Djiring. Cũng có sách khác lại nói Di Linh khởi nguồn từ một loại cây sồi mọc rất nhiều trên vùng đất này mà người K’Ho gọi là cây “Njrêng”. Những giai thoại vẫn chưa được kiểm chứng nên tên của vùng đất này vẫn còn là bí ẩn chưa thể giải mã trọn vẹn.
Di Linh từng là trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai Thượng do người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Người tìm ra cao nguyên này chính là bác sĩ Yersin – một người Pháp yêu và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Vào mùa mưa năm 1890, ông đã đi bộ cùng một cư dân địa phương dẫn đường. Xuất phát từ Phan Rí, cả hai đi theo một con đường mòn mà người K’Ho vạch ra để gùi hàng, trao đổi sản phẩm với người Việt sinh sống tại khu vực Phan Rang – Phan Thiết. Sau hơn một tuần vất vả, họ đã tìm ra cao nguyên Di Linh và Lâm Viên, Yersin đã viết bản tường trình và vẽ bản đồ để trình Toàn quyền Đông Dương xin xây dựng một trung tâm nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Phải đến 9 năm sau, ngày 1/11/1899, Toàn quyền Doumer chính thức bổ quyết thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, phân bổ Ernest Outrey làm Công sứ đầu tiên cho tỉnh, Di Linh trở thành trung tâm hành chính trọng điểm thời bấy giờ.
Dấu ấn sót lại minh chứng cho một thời hoàng kim của tỉnh Đồng Nai Thượng xưa chính là tòa nhà hành chính, nay là văn phòng Ban dân tộc thuộc UBND huyện Di Linh. Công trình hoàn thành năm 1900, do công của Cunhac - một trắc địa viên kiêm kiến trúc sư đảm nhiệm. Ngày ấy, muốn xây được tòa nhà này Cunhac đã phải sử dụng lực lượng người K’Ho gùi đá và vật liệu trên lưng (mỗi người 50kg) đi bộ 71km, qua tuyến đường Phan Thiết vượt đèo Gia Bắc để lên Di Linh.
Lạ lẫm với đá – gỗ lũa – hoa
Di Linh được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật chơi đá cảnh mà giới sưu tầm châu Á trân trọng đặt danh xưng Thạch Bích Ngoạn. Do thổ nhưỡng được cấu tạo từ biến thể của đá huyền vũ (Basaltes) từ núi lửa và thấm chất thán khí lâu đời làm mủn nên cao nguyên Di Linh cơ bản được hình thành từ một loại đất màu đỏ sậm, pha lẫn với sa thạch có nguồn gốc từ núi lửa phun trào. Các loại chất pha trộn tạo thành một lớp đất màu mỡ, sắc đỏ thắm, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây như: trà, cà phê, sơn… Riêng các viên đá khổng lồ có độ tuổi triệu triệu năm, khi bị vỡ ra do núi lửa hoạt động, chúng bị bắn phá tung tóe và rơi vào sông suối, rồi bị thủy hóa, thổ hóa, phong hóa mài mòn theo thời gian. Thậm chí khi nham thạch phun, suối đá nóng chảy thành dòng, gặp nước, chúng nguội và chìm sâu trong lòng đất, vì thế đá cảnh Di Linh đa dạng, kiểu dáng với muôn vẻ sắc màu vân thạch. Ban đầu, thấy các viên đá mang hình dáng lạ như núi non, sông hồ, thác nước, gương mặt, thú vật, trái cây, ngôi nhà… nên một số người nhặt đem về chơi. Dần dần, vài người đem đá đi thi và nhận được giải thưởng, họ bán được một số tác phẩm với giá khá hời. Vậy là, việc “săn lùng” đá cảnh tại Di Linh trở nên vô cùng rầm rộ, nhiều người đã bỏ nghề nông để đi “săn đá” đã có cuộc sống ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khai thác mãi đá cũng hết, muốn có đá đẹp, người săn lùng đá phải đi rất xa hoặc thuê người dân tộc tìm kiếm và mua lại. Hiện tại, Di Linh được xem là vùng đá cảnh đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, lượng đá cảnh đẹp sót lại tại nơi đây rất hiếm hoi.
Không chỉ đá cảnh, Di Linh cũng là vùng đất nổi danh về gỗ lũa mà trên cao nguyên này người địa phương quen gọi là kỳ mộc. Lũa chính là những phần còn sót lại của những cây trâm nước cổ thụ cả ngàn năm tuổi mọc ven suối, khi bị nước xói mòn bộ rễ, cây ngã gục, bị vùi chôn trong đất và bị gió nước ăn mòn cả trăm năm. Sự gặm nhấm từ tốn này cuối cùng chỉ còn sót lại những đoạn thân cứng như sắt, không có mối mọt nào ăn mòn và chúng mang những hình dáng kỳ lạ. Tận dụng vẻ đẹp lạ và độc đáo đó, các nghệ nhân Di Linh đã chế tác kỳ mộc thành nhiều tác phẩm từ gia dụng cho đến nghệ thuật tiểu cảnh.
Cuộc sống bình dị trên cao nguyên Di Linh sinh ra những con người hồn hậu, tất cả đã tạo nên một cảm xúc mến thương với đất và người Di Linh.
Dương Hạ Quỳnh Dương
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)