Biển không xanh thẳm, đài các như Nha Trang, cũng không ngầu đỏ như Sầm Sơn (Thanh Hóa)… Biển Cửa Lò như một cô gái quê chất phác, chân tình. Cát không trắng mà nâu, không mát rượi mà ấm ấm dưới chân ta bước. Sóng dường như không to, không nhỏ. Còn về đêm chênh chao ngọn đèn câu mực, giữa mờ ảo những đảo Lan Châu, Hòn Ngư, Hòn Mắt… Đêm không thể nhìn rõ, chỉ nghe giọng Nghệ nằng nặng mạn thuyền, tôi cảm thấy bình an như ngư dân buông lưới giữa một vùng nhiều cá tôm mà lặng sóng.
Cửa Lò là vùng biển bình dân. Nhiều du khách đã từng nói thế; bình dân trong cách ẩm thực, không thiên về chế biến cầu kỳ; một chai rượu Nghi Đức trong như mắt mèo, dăm con mực sim chỉ nhỉnh hơn đầu ngón chân cái, quấn trong lá lốt, thêm chút nước mắm nguyên chất vùng Cửa Hội, vậy là đủ để bạn cảm nhận được cái ân tình mà thiên nhiên ban tặng riêng cho mảnh đất này giữa một vùng gió Lào cát bỏng…
Đến Cửa Lò là bạn đến một vùng văn hóa, với lễ hội cầu ngư vào tháng giêng. Con người lam lũ nơi đây tạ ơn một năm trời đất chở che, biển yên sóng lặng và cầu một năm mới đi biển bình yên...
Đứng trước biển Cửa Lò, thấy trong sóng mênh mang ngoài xa kia dòng nước sông Lam, sông Giăng, sông La… dòng nước chảy qua những miền “Trà Lân trúc chẻ tro bay” thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi khởi nghĩa chống quân Minh; miền Võ Liệt Thanh Chương, miền Bến Thủy anh hùng những năm ba mươi, ba mốt. Cách Cửa Lò khoảng 15 cây số là ánh sáng lấp lánh của TP. Vinh. Và đi tiếp chỉ mươi mười lăm phút ô tô, sẽ trở về Nam Đàn, quê Bác - người con vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa lớn loài người; đến Nghệ An là bạn đến với vùng đất có Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Vương Thúc Quý, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong… và nhiều anh hùng, danh nhân khác.
Đến với Cửa Lò, không chỉ đến với “Thuyền và biển”, mà còn đến để chiêm nghiệm một vùng văn hoá của “địa linh nhân kiệt”!
Nguyễn Thị Hiền
Nguồn: Tạp chí Du lịch