Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm và đã tập trung chỉ đạo ngành Du lịch chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Có nhiều tổ chức, cá nhân, các chuyên gia quan tâm nghiên cứu thực hiện các đề tài, các dự án khoa học công nghệ về xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần rất lớn trong việc hình thành và làm mới sản phẩm du lịch cho tỉnh nhà. Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh: “Với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch tỉnh Bến Tre nhất là loại hình du lịch nông nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hóa và môi trường trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. Hội thảo rất mong nhận được nhiều ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các trường Đại học, các đơn vị kinh doanh du lịch cùng tất cả quý đại biểu đến từ các tỉnh, thành về các vấn đề như: Giải pháp quy hoạch phát triển nông nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình du lịch nông nghiệp; quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp; các giải pháp khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp; sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp; công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng... Các ý kiến tham luận và các ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, góp ý của quý đại biểu sẽ là cơ sở vận dụng trong quá trình quản lý, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, của từng địa phương và từng đơn vị kinh doanh du lịch trong thời gian tới nhằm góp phần đưa du lịch tỉnh Bến Tre nói riêng, du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước ngày càng phát triển bền vững”.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại khu vực nông nghiệp đã được khai thác tại nhiều địa phương, tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê từ Bắc tới Nam. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.
Theo đó, PGS.TS. Trần Thị Hồng mong muốn, Hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp hợp tác, xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch đã trình bày tham luận với các chủ đề: Cơ sở lý luận về du lịch nông nghiệp; Tiềm năng và thực trạng du lịch nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre; Các sản phẩm du lịch nông nghiệp của tỉnh Bến Tre; Tính kết nối du lịch nông nghiệp; Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre, để phân tích thực trạng, qua đó đưa ra những giải pháp thiết thực để góp phần định hướng, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Bến Tre.
Đồng thời, các chuyên gia và khách mời đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các định hướng chính sách, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp phát triển bền vững và phát triển hoạt động du lịch – ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng nhằm tạo động lực lan toả, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Qua đó, Hội thảo đã đưa ra các giải pháp hợp tác, xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác Khoa Du lịch – Việt Nam học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và tỉnh Bến Tre nhằm nghiên cứu, xây dựng mô hình “Nông dân làm du lịch” ở huyện Mỏ Cày Nam, huyện Châu Thành và huyện Thạnh Phú. Mô hình bao gồm các hoạt động du lịch mang tính trải nghiệm sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản; kết nối giao thương n��ng sản để xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của Bến Tre, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân... Bên cạnh đó, các hội viên hội nông dân sẽ được tham gia tập huấn các kỹ năng về làm du lịch chuyên nghiệp; hỗ trợ liên kết các tour du lịch để duy trì, phát triển các mô hình đáp ứng nhu cầu thị trường và của du khách. |
Phước Quang