Đại diện cho 30 hộ dân ở tổ 1, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, ông Tô Minh Tân đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng về nội dung liên quan đến đất ở ổn định bị quy hoạch thành đất trồng cây xanh. Ông Tân cho biết, ngày 25/6/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 378/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, tỉnh Tuyên Quang; trong đó khu đất của 30 hộ dân được quy hoạch là đất cây xanh đô thị (Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 16/7/2021). Điều đáng nói là người dân trên địa bàn được quy hoạch cây xanh đô thị không hề hay biết gì về quy hoạch này.
Ông Tân giãi bày, tất cả các hộ dân ở đây đã sinh sống lâu đời, từ đời cha ông đã khai phá, lập nghiệp và sinh sống ổn định (khu vực này trước đây là thôn Kim Phú, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, đến năm 2000 mới thuộc thành phố Tuyên Quang). Năm 1992 các hộ dân đã được UBND huyện Yên Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sau đó huyện đã thu hồi lại với lý do “cấp sổ mới”. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, vẫn chưa hộ nào được nhận “sổ mới”.
Từ chỗ là đất “chính chủ”, các hộ dân rơi vào cảnh mất hoàn toàn quyền và lợi ích hợp pháp. Nhu cầu chính đáng về “an cư lạc nghiệp” của người dân không được các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, dù họ đã đi gõ cửa nhiều nơi.
Theo phản ánh của ông Tô Minh Tân, hiện tại các hộ dân rất khó khăn trong việc xin cấp phép xây dựng vì không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn thế nữa, còn lý do là vướng phải quy hoạch xây dựng phân khu 03 tỷ lệ 1/2.000 thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm.
“Tôi làm công tác dân phố đến nay là 21 năm, nhưng quy hoạch thế nào tôi cũng không được biết và chưa nhận được một văn bản nào cả. Hiện trạng đất đai ở đây như thế nào tôi nắm rất rõ, tâm tư nguyện vọng của người dân đã sống ổn định bao nhiêu đời rồi, không ai muốn chuyển đi đâu cả”, ông Tân nói và cho biết thêm, ngày 15/5/2023, tại buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ông đã đặt câu hỏi thẳng thắn với Chủ tịch tỉnh, đại ý toàn bộ quá trình lập quy hoạch và công bố quy hoạch người dân “không hề hay biết”, ngay cả những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp cũng không biết, như vậy có đảm bảo về quy trình lập quy hoạch hay không?
Những nội dung kiến nghị cũng được trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch tỉnh, trong đó có 2 vấn đề chính, thứ nhất là dự án có lấy đến đất của 30 hộ dân không? Nếu lấy thì bố trí đất tái định cư để bà con có thể xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, nhất là mùa mưa bão sắp tới, nhà ở của các hộ dân phần lớn đã xuống cấp (do không được cấp phép xây dựng), không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Thứ hai, nếu dự án không thu hồi diện tích đất của các hộ dân thì đề nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mặt khác còn “tạo điều kiện để người dân chung sức tạo diện mạo mới cho phường Mỹ Lâm, nơi chúng tôi sinh sống nhiều đời”.
Ông cũng cho biết, ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc thành phố Tuyên Quang xem xét, giải quyết các kiến nghị của công dân…
Một trường hợp khác ở tổ 1 phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang là bà Trần Thị Kim Thắng cũng rơi vào tình thế hết sức oái oăm vì “vướng quy hoạch mà không hay biết”. Theo trình bày của bà Thắng, gia đình bà có mảnh đất hơn 4.000m2 do một hộ dân chuyển nhượng, do người chuyển nhượng không có nhu cầu ở nên hiện trạng hạ tầng (nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng bò…) xuống cấp nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến những hộ dân khác đang sinh sống trên địa bàn. Để cải tạo cảnh quan, môi trường, tháng 7/2021 bà Thắng làm đơn xin xây dựng nhà cấp 4 lợp ngói nhưng không được cấp phép vì “không phù hợp quy hoạch”. Thời điểm tháng 7 đang mùa mưa khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm nặng nề vì nước mưa làm cho chất bẩn tràn ra bên ngoài. Cực chẳng đã, gia đình bà đánh liều xây dựng và hoàn thiện công trình nhà tạm và một số hạng mục sân vườn trong khuôn viên. Toàn bộ khu vực trở nên khang trang, sạch đẹp. Người dân xung quanh rất phấn khởi vì thoát cảnh ô nhiễm, bẩn thỉu.
Theo phản ánh của bà Thắng, trong suốt quá trình thi công (4 tháng), không hề có một cá nhân hay đơn vị nào đến nhắc nhở, kiểm tra. Mãi đến nửa năm sau (tháng 6/2022), UBND phường Mỹ Lâm và Phòng Quản lý đô thị thành phố mới đến lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính…
“Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền khi xét, lập, thẩm định quy hoạch, trình tự, thủ tục thực hiện quy hoạch có đúng hay không; tại sao khoanh đất ở của 30 hộ dân để quy hoạch đất cây xanh đô thị nhưng lại không có phương án tái định cư cho người dân? Sự bất cập ấy khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Bản thân tôi xây nhà tạm trên các hạng mục đã có sẵn cũng không được cấp phép. Rồi buộc trả lại nguyên trạng. Điều này có nghĩa là tôi phải khôi phục lại tình trạng ô nhiễm, bẩn thỉu, mất vệ sinh như trước đây…”, bà Thắng chia sẻ.
Phóng viên đã gặp bà Nông Thị Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang để tìm hiểu sự việc. Bà Toản cho hay, thời gian qua các hộ dân ở đây cũng muốn phát triển, trong đó có mô hình du lịch. Dù đất của họ đang là đất ở, nhưng không thể cấp phép xây dựng được do vướng mắc quy hoạch. Theo bà Toản, phát triển du lịch lưu trú ở đó thì rất là phù hợp nhưng lại vướng quy hoạch cây xanh nên người dân ở đó phản ánh vì bất cập, vài hộ gia đình có khả năng, họ có đất và là đất ở đàng hoàng, nên họ xây lên 1 cái homestay, nhưng theo quy hoạch thì lại vi phạm.
“Tôi cho rằng cái quy hoạch kia nên điều chỉnh lại để phù hợp, cái chỗ đất của người ta đủ điều kiện để phát triển, để xây dựng, thì phải khuyến khích cho người ta làm. Hiện nay thu hút nhà đầu tư đã khó, trong khi họ có năng lực, làm để phục vụ cho cuộc sống và làm đẹp cho cả thành phố, làm đẹp cho xã hội. Cái gì chưa phù hợp mà dân có ý kiến thì phải xem xét lại”, bà Toản nói.
|
Viễn Nguyệt