|
Một góc khu du lịch Cát Bà
Ảnh: NV
|
Hệ động thực vật ở VQG Cát Bà khá phong phú với gần 800 loài thực vật đặc hữu như chò đôi, trái lý, lát hoa, kim giao…; 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư, 11 loài ếch nhái…, trong đó có loài voọc đầu trắng rất quý hiếm chỉ còn tồn tại ở VQG Cát Bà. Bên cạnh đó, trong địa bàn VQG Cát Bà và quần đảo Cát Bà còn có các di tích cổ sinh, di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử - văn hóa như thành nhà Mạc, khu thương cảng (bến Gốm), di chỉ Cái Bèo và đặc biệt là hoá thạch trầm tích trong hang động Đá Trắng. Theo giám định của Viện Khảo cổ học, hóa thạch được tìm thấy có niên đại Pleistocen muộn (từ 01 triệu đến 11.000 năm trước). Với những giá trị quan trọng như vậy, nhưng chưa có một di tích lịch sử, một địa điểm khảo cổ học, cổ sinh học nào trên quần đảo Cát Bà được công nhận là di sản/di tích văn hóa quốc gia trong khi theo thống kê chưa đầy đủ, TP. Hải Phòng hiện có 180 di tích lịch sử, trong đó có 96 di tích cấp quốc gia. Bởi thế, các nhà quản lý cũng như chính quyền địa phương khó có thể áp dụng Luật Di sản văn hóa để ngăn chặn những hành vi vi phạm di tích đang diễn ra trên quần đảo Cát Bà.
Môi trường – những vấn đề đặt ra
Trong nhiều năm qua, Cát Bà đã được xác định là điểm du lịch quan trọng của Du lịch Hải Phòng. Mỗi năm, Cát Bà thu hút trên 500 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế với nhiều mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về đời sống động thực vật và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với áp lực của hoạt động du lịch, dịch vụ đã tác động không nhỏ tới môi trường Cát Bà.
Cuối năm 2008, Ban quản lý VQG Cát Bà đã tiến hành khảo sát điều tra với trên 300 lượt khách trong nước và quốc tế về những tác động đến môi trường tự nhiên trong và ngoài phạm vi VQG. Theo đó, nguyên nhân chính gây tác động đến môi trường VQG là do hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương (chiếm 70% ý kiến được hỏi). Ngoài ra, những tác động đến môi trường ở khu du lịch còn do hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch và các thành phần kinh tế khác. Các nguồn gây tác động đến môi trường bao gồm rác thải, nước thải, tuy chưa đến mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước hoặc không khí nhưng cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm ở phạm vi nhỏ, tác động không nhỏ với các loài động, thực vật biển và để lại những ấn tượng không tốt trong lòng du khách. Ngoài hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được xây dựng không theo quy hoạch làm mất mỹ quan khu du lịch thì với khoảng trên 500 nhà bè, hơn 8.000 lồng nuôi các loài hải sản biển tập trung gần nhau, hàng chục tấn thức ăn nuôi cá được đưa xuống biển mỗi ngày, mà một phần trong số đó do cá ăn không hết tạo nên tạp chất lắng đọng dưới đáy biển qua mỗi năm đã bắt đầu làm ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết hàng loạt. Hầu hết đánh giá của du khách trong đợt khảo sát vừa qua đều cho rằng, hệ thống thu gom rác thải, nước thải tại địa phương (bao gồm cả khu vực VQG và khu du lịch) tuy đã được thực hiện nhưng mức độ còn chưa triệt để, chưa toàn diện, các thùng rác đã có mặt ở các điểm nhưng số lượng còn rất hạn chế, hệ thống thu gom rác trên mặt nước chưa thật hiệu quả; khu vệ sinh công cộng còn thiếu, nhất là tại các khu tập trung đông người; hệ thống thông tin chỉ dẫn về môi trường còn thiếu khá nhiều; các biện pháp nhắc nhở, quản lý đã triển khai nhưng chưa thường xuyên, chưa sâu sát; hiện tượng níu kéo khách mua hàng vẫn còn xảy ra, gây phiền hà cho khách, đặc biệt là khách nước ngoài… Một nguyên nhân không kém phần quan trọng tác động đến môi trường tự nhiên của Cát Bà là do hoạt động của hàng ngàn tàu đánh cá, tàu khách, tàu chở dầu… Hầu hết các tàu thuyền hoạt động ở tại Tùng Vụng, Bến Bèo đều xả thẳng nước và chất thải xuống biển. Hậu quả tất yếu xảy ra là có nhiều ngày nước biển ở Bến Bèo, Tùng Vụng biến màu, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hoạt động du lịch. Nước bẩn không chỉ tác động tới hoạt động du lịch mà còn làm chết các rạn san hô và một số loài sinh thể ở các tầng nước biển...
Một số giải pháp khắc phục
Để bảo vệ môi trường Cát Bà nhằm phát triển bền vững du lịch - được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp:
Thứ nhất, cần lắp đặt thêm các biển hướng dẫn, nhắc nhở khách bỏ rác đúng nơi quy định, đặt thêm các thùng thu gom rác thải, có biện pháp xử lý rác thải, nước thải tốt hơn;
Thứ hai, tăng cường hệ thống thông tin về môi trường nhằm hướng dẫn khách thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời cảnh báo cho khách biết tình trạng môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân; bố trí thêm các khu vệ sinh công cộng.
Thứ ba, Chính quyền địa phương cần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng địa phương để họ tự giác chấp hành quy chế bảo vệ môi trường biển, không xả rác bừa bãi, hạn chế thải chất bẩn chưa qua xử lý ra môi trường; có chế tài cho các công trình xây dựng ven biển, hoạt động du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí ven biển, trên biển bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm nước thải không gây ô nhiễm theo quy định; có các biện pháp mạnh nhằm xử lý nghiêm khắc đối với những người vi phạm về luật bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển du lịch Cát Bà một cách bền vững, trong đó cần đưa ra được các mô hình phát triển mà ở đó, người dân địa phương có điều kiện được đóng góp nhiều hơn vào công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và được hưởng nhiều lợi ích từ hoạt động du lịch.
Cát Bà là một trong những trọng điểm du lịch nổi tiếng của Du lịch Hải Phòng và Việt Nam. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải gìn giữ Cát Bà luôn trong sạch về môi trường, đẹp về cảnh quan thiên nhiên, giàu về tài nguyên rừng, biển để Cát Bà xứng với tầm vóc quốc tế của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ths. Nguyễn Thị Hoài Thu*
*Khoa Du lịch Trường Đại học dân lập Phương Đông