Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ tế Xã tắc có từ thời Tiền Lê và được duy trì qua các đời Lý, Trần, Nguyễn, do đích thân nhà vua hoặc một vị đại thần thay mặt nhà vua đứng ra làm chủ lễ. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, với mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đến năm 1806, trong việc quy hoạch lại toàn bộ kinh thành ở bờ Bắc sông Hương, vua Gia Long đã cho xây dựng đàn Xã tắc ở khu vực của phường Thuận Hòa ngày nay. Nhưng từ năm 1945, lễ tế Xã Tắc dần bị mai một. Để phục vụ cho Festival Huế năm 2008, lễ tế đàn Xã tắc đã được phục dựng lần đầu tiên tại địa điểm của chính đàn Xã Tắc xưa.
Ông Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: lễ tế Xã Tắc lần 2 này sẽ tái hiện tương đối chân xác một lễ tế Xã Tắc như đã từng diễn ra trước kia nhưng phù hợp với tình hình hiện nay, bao gồm: lễ xuất cung (rước vua đi tế Xã Tắc) và lễ tế tại đàn tế Xã Tắc với các nghi tiết truyền thống như lễ: quán tẩy, Thượng hương, Nghinh thần, Điện ngọc bạch, Truyền chúc, Hiến tước, Tứ phúc tộ, Triệt soạn, Tống thần, Tư chúc bạch soạn. Dự kiến lễ tế Xã tắc sẽ được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm.
Lễ tế Xã Tắc góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa lễ hội của Thừa Thiên - Huế, thoả mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, cầu mong cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hiện nay song song với việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang tiến hành xây dựng hồ sơ về lễ tế Xã Tắc và hoàn tất các thủ tục đề nghị UNESCO công nhận lễ tế Xã Tắc là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Minh Hạnh