Tại phiên họp họp rà soát tổng thể các mỏ khai thác khoáng sản nằm trong vùng Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) Non nước Cao Bằng, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng cho biết: trên địa bàn tỉnh hiện có 59 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Trong đó, 21 mỏ khoáng sản với vị trí khai thác không thuộc vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng, không nằm trong tầm quan sát khi di chuyển trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, các tuyến du lịch trong vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng; 4 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng nhưng khi di chuyển trên các tuyến du lịch có thể quan sát thấy khu vực khai thác khoáng sản.
Có 34 mỏ khoáng sản nằm trong hoặc có một phần diện tích trong vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng cần rà soát, đề xuất các biện pháp xử lý để đảm bảo cảnh quan, tuân thủ kế hoạch phát triển CVĐCTC Non nước Cao Bằng. Trong đó, 17 mỏ cần áp dụng các biện pháp xử lý nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường; 17 mỏ không cần áp dụng các biện pháp xử lý, vị trí khai thác cách xa quốc lộ, ít làm biến đổi bề mặt địa hình ảnh hưởng đến cảnh quan hoặc một số mỏ đang làm thủ tục trả lại giấy phép khai thác khoáng sản.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo đề nghị: Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các vị trí ven đường; Ban Quản lý CVĐCTC Non nước Cao Bằng tham mưu về định hướng xử lý các điểm mỏ khoáng sản, đặc biệt là các mỏ đá theo ý kiến của các chuyên gia UNESCO; tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với những vị trí có thể quan sát thấy khi di chuyển trên 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐCTC Non nước Cao Bằng khi chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc ý kiến của chuyên gia...
HN