Gia Lai là mảnh đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống với nhiều loại hình phong phú và đa dạng. Các di sản văn hóa dân tộc ở Gia Lai không ngừng được gìn giữ và phát huy giá trị, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Tỉnh Gia Lai hiện còn lưu giữ được hơn 6000 bộ cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số J'rai và Bahnar, trong đó có nhiều bộ cồng chiêng thuộc dạng cổ xưa có giá trị văn hóa lớn và độc đáo. Các địa phương còn lưu giữ bộ cồng chiêng nhiều nhất tại các buôn làng dân tộc là huyện Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Konchoro... Để phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng, tỉnh Gia Lai không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ mà quan trọng hơn là biết khai thác và sử dụng có hiệu quả loại hình này. Vì vậy, việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những giải pháp mang tính lâu dài đã được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Ngoài ra, các địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho văn hóa cồng chiêng phát huy mạnh mẽ thông qua các lễ hội của người Bahnar và J'rai như lễ Pơ thi (bỏ mả), lễ mừng lúa mới, lễ cúng nhà rông... hay tổ chức những cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở. Đồng thời đưa môn học đánh cồng chiêng vào chương trình giảng dạy phụ khóa ở các trường học dân tộc trong tỉnh, nhất là các trường học nội trú, bán trú.
Nguồn: cinet.vn/