Đột phá với chất liệu đất đỏ kết hợp cùng phụ gia không nung, câu chuyện lịch sử Đà Lạt bên hồ Tuyền Lâm là tập hợp của hàng nghìn tác phẩm điêu khắc nổi cầu kỳ, đầy tính tượng hình và độc nhất vô nhị. Từ núi Lang Biang, những mái nhà, đồi thông đến những sinh hoạt thường ngày của các dân tộc vùng cao nguyên đều có trong đường hầm này. Công trình là thành quả lao động miệt mài của hàng trăm họa sỹ, kiến trúc sư - những người tâm huyết với mảnh đất Đà Lạt. Đường hầm điêu khắc đang được nối dài, tiếp tục hoàn thiện để kể câu chuyện lịch sử Đà Lạt qua 120 năm hình thành và phát triển. Việc nối dài thêm đường hầm điêu khắc trong tương lai sẽ giúp Đà Lạt sở hữu một trong những công trình nghệ thuật dưới lòng đất dài nhất trên thế giới.
Công trình này hoàn toàn được thực hiện bằng việc khoét núi và tạo hình bằng chính nguyên liệu đất đỏ bazan tại chỗ. Trên một khu vực đồi núi rộng lớn là chuỗi tác phẩm điêu khắc tinh xảo giàu tính nghệ thuật, tái hiện lại các giai đoạn phát triển của TP. Đà Lạt kể từ khi được phát hiện vào năm 1893 bởi bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin cho đến sau năm 1975. Toàn bộ cụm công trình được bao bọc bởi chiếc "ghế rồng Việt" dài 1,2km uốn lượn với thế vươn lên mạnh mẽ. Bắt đầu cuộc hành trình, du khách sẽ đi từ đuôi rồng và kết thúc ở đầu rồng. Ý tưởng được gửi gắm trong kiến trúc này là khát vọng về sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Chuyến hành trình khám phá câu chuyện về sự hình thành Đà Lạt qua hàng trăm năm được gói gọn trong vài chục phút đi bộ. Lịch sử hình thành Đà Lạt được khắc họa từ thuở hồng hoang, chưa có dấu chân người, chỉ có đá và nước cùng các loài muông thú trong rừng như rắn, rùa, voi, cho đến khi xuất hiện người dân tộc với những hoạt động sinh hoạt thường ngày như giã gạo, uống rượu cần, đánh cồng chiêng…, những nếp nhà rông, biểu tượng chế độ mẫu hệ của người dân bản địa, những cỗ xe ngựa, công trình kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt như nhà thờ Con Gà, nhà ga xe lửa, Trường Cao đẳng Sư phạm và những con phố hiện đại… đều xuất hiện trong đường hầm.
Với niềm đam mê hiếm có, ông Trịnh Bá Dũng, tác giả của công trình đường hầm điêu khắc này vừa là người thiết kế, đưa ra ý tưởng, vừa trực tiếp tham gia thi công cùng với các nghệ nhân và công nhân. Dù làm bằng đất đỏ không nung nhưng công trình hoàn toàn có thể chịu được các tác động, biến đổi của thời tiết. Nói về công trình này, ông Trịnh Bá Dũng cho rằng đó chỉ là “bìa của một cuốn sách viết về Đà Lạt. Người ta in bìa bằng giấy, tôi dùng chính đất đỏ của vùng đất này”. Theo ông, du khách sẽ nắm một cách cơ bản về kiến trúc, văn hóa Đà Lạt khi đi hết con đường này, còn phần “nội dung cuốn sách” về Đà Lạt là những điểm đến thực tế. Tuy nhiên, sau khi tham quan công trình, nhiều du khách cho rằng đây là cuốn “cẩm nang” giới thiệu Du lịch Đà Lạt, bởi chỉ cần đi hết đường hầm dài này, họ sẽ khái quát được những đặc trưng của thành phố cao nguyên.
Nơi đường hầm đất đỏ trước đây là một triền đồi hoang vắng, chỉ lưa thưa thông và cỏ dại, một thách thức không nhỏ đối với người muốn xây dựng cái mới trên mảnh đất này. Vốn mê những đường hầm điêu khắc trên thế giới, ông Trịnh Bá Dũng quyết định thực hiện cho riêng mình một đường hầm. Giữa năm 2008, khi đào móng xây nhà, ông đã quan sát và phát hiện nếu đất đỏ được đóng rắn thì độ bền không thua kém vữa ximăng. Mất hai năm ông Dũng mới tạo ra được loại keo để đóng rắn đất và chế tạo được loại sơn từ đất đỏ để phủ lên các vật liệu khác nhằm tạo độ đồng nhất màu sắc trong công trình. Năm 2010 ông bắt đầu thực hiện đường hầm điêu khắc. Sau ba năm thi công, số lượng đất ông đào lên để tạo đường hầm là hơn 85.000m3. Đất đỏ khá mềm và rất dễ tạo hình. Các công nhân dùng mũi dao chuyên dụng gọt đất đỏ theo những đường mềm mại đã kẻ sẵn trước đó. Chi tiết xong tới đâu, họ phủ lên một lớp vữa từ đất đỏ và chi tiết đó bị đóng cứng sau ba giờ phơi nắng.
Với nghệ thuật tạo hình độc đáo, công trình đã đem lại nhiều điều mới mẻ và hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, khi đến tham quan đường hầm nghệ thuật, du khách còn có thể hưởng ngoạn không gian thoáng đãng, dễ chịu bên hồ Tuyền Lâm, hồ nước ngọt lớn nhất tại Đà Lạt. Đến nay, đường hầm nghệ thuật đã là địa điểm được nhiều công ty du lịch đưa vào chương trình chính thức dành cho du khách khi đến Đà Lạt.
Nhà chủ quyền Việt Nam bằng đất đỏ, nằm độc lập với đường hầm điêu khắc đất đỏ trong khu du lịch Đất Đỏ của ông Trịnh Bá Dũng. Trên mái ngôi nhà được đắp nổi hình bản đồ Việt Nam với kích cỡ 2,75 x 11m và có đầy đủ hình ảnh của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nội thất như bàn ghế, giường, bồn tắm, bồn rửa tay, lò sưởi... cũng được tạo ra từ nguyên liệu đất đỏ cùng với bột đá và phụ gia. Tất cả nội thất đều sử dụng tốt dù không qua công đoạn nung. |
Phương Lê
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)