Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng công nghệ số cinemagraph vào trưng bày triển lãm chuyên đề
Triển lãm giới thiệu hơn 80 tác phẩm chọn lọc trong Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được sáng tác qua nhiều giai đoạn khác nhau từ trước năm 1945 cho đến 2007 do nhiều danh họa của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, từ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương như: Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Phan Kế An... đến các thế hệ Mỹ thuật Kháng chiến như Lưu Công Nhân, Đào Đức… và các thế hệ họa sĩ sau như Đường Ngọc Cảnh, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Châu... Lê Vân Hải, Đỗ Thị Ninh,… Thông qua lăng kính chân thực của người nghệ sĩ với ngôn ngữ tạo hình phong phú, sinh động đã thể hiện thành công cảnh sắc tươi đẹp đặc trưng của khắp các vùng miền đất nước.
Từ những cảnh đẹp nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Cảnh Đà Lạt, Đồng Văn, Sông Hương,... cho đến những góc cảnh nhỏ thân quen như Phố cũ, Ao bèo, Rặng dừa, Đường làng...; Từ miền núi cao phía Bắc, với những địa danh lịch sử nổi tiếng như Núi Các Mác, Thác Bản Giốc, Pác Bó, Côn Sơn... đến vùng trung du với Cổng đền Hùng Vương, vùng cao nguyên như Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên; cùng nhiều hình ảnh thơ mộng khác ở các vùng duyên hải, biển đảo Nha Trang, Phú Quốc... đều được thể hiện sống động, sử dụng nhiều bút pháp khác nhau, nhưng đều thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước của người nghệ sĩ. Cùng với đó là những hình ảnh con người hồn hậu, chất phác, yêu lao động như tô điểm thêm cho những bức tranh tuyệt diệu của thiên nhiên.
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, đây lần đầu tiên, bảo tàng phối hợp cùng Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3D Art thử nghiệm áp dụng công nghệ số cinemagraph vào trưng bày. Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm bản gốc, sự kết hợp với kỹ thuật trình chiếu và ảnh động cinemagraph sẽ mang đến cho công chúng có một sự trải nghiệm, một cách thưởng lãm tác phẩm mới, khai thác tính ưu việt của công nghệ số. Mở ra hướng đi mới, giải pháp mới trong việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật. Từ đó, các triển lãm sẽ không bị hạn chế nhiều bởi không gian và thời gian, cũng như điều kiện bảo quản nghiêm ngặt đối với hiện vật gốc. Cơ hội được mở ra rộng hơn cho công tác phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là các tác phẩm quý, bảo vật quốc gia sẽ thường xuyên xuất hiện hơn, tiếp cận nhiều hơn với công chúng yêu nghệ thuật, trong nước và quốc tế.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chuyên đề Đất nước tôi
Phương Nhi