Chưa từng nghe đến cái tên Banjarmasin, tôi lên mạng tìm kiếm. Những thông tin mà tôi tìm thấy cho tôi biết rằng Banjarmasin là thành phố phía Nam đảo Borneo, và là thủ phủ tỉnh Nam Kalimantan. Banjarmasin cũng được mệnh danh là “The City of Thousand Rivers” (thành phố của ngàn dòng sông), nơi những con sông hùng vĩ, êm ả cuộn mình chảy qua. Đi cùng với những bài viết mà tôi tìm được là hình ảnh nhộn nhịp của những phiên chợ nổi trên sông, của những con thuyền chở đầy hoa trái và rạng rỡ nụ cười hiền lành của những người phụ nữ. Nụ cười ấy chở tôi ngược về với quá khứ, với sông nước đồng bằng sông Cửu Long nơi tôi đã lớn lên.
Vì thế, tôi lập tức thu xếp công việc, bắt tay vào tìm kiếm và dịch những tác phẩm ca dao Việt Nam, các tác phẩm thơ đương đại viết về các dòng sông như bài thơ Sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều, Sương mù bên kia sông bến Hải của Hoàng Trung Thông, Với sông Đà của Trần Quang Quý, Huế 1 của Nguyễn Trọng Tạo, Khúc hát sông quê của Lê Huy Mậu… Tôi muốn qua bài trình bày của mình tại hội thảo, những người tham dự sẽ hiểu nhiều hơn về sự trù phú của văn học và văn hóa Việt Nam, cũng như sự quan trọng của những dòng sông trong đời sống tinh thần của người Việt.
Những ngày tham dự hội thảo đã cho tôi nhiều thông tin bổ ích về lịch sử, văn hóa, tập tục của những người dân vùng Nam Kalimantan. Nhưng, “trăm nghe không bằng một thấy”, sự kiện này đã mở ra nhiều cơ hội để tôi tận mắt chứng kiến sự sáng tạo của chính quyền thành phố Banjarmasin trong việc vừa bảo tồn các di sản văn hóa vừa khai thác các di sản ấy để phát triển du lịch bền vững.
Sông được sử dụng là một điểm nhấn trong công tác phát triển du lịch nơi đây. Ngoài việc duy trì những buổi họp chợ nổi trên sông, Phòng Văn hóa và Du lịch thành phố Banjarmasin còn tổ chức và duy trì nhiều lễ hội văn hóa trên sông. Một trong những lễ hội đó là Lễ hội Văn hóa Chợ Nổi Banjarmasin (Floating Market Cultural Festival of Banjarmasin). Tại lễ hội này, du khách không chỉ được thưởng ngoạn hoạt động buôn bán thường nhật trên sông của người Banjar trên những chiếc thuyền gỗ jukung mà còn được chiêm ngưỡng những chương trình biểu diễn đặc biệt: cuộc diễu hành trên sông của đông đảo những chiếc thuyền jukung được trang trí đẹp mắt, bằng đôi tay khéo léo và tinh thần sáng tạo đầy hứng khởi của những con người chọn dòng sông làm kế sinh nhai của họ. Ngoài ra, các hoạt động của lễ hội còn bao gồm diễu hành văn hóa, Lễ hội thời trang Banjar, Lễ hội Sinoman Hadrah, trò chơi truyền thống Balogo, Lễ hội ẩm thực của các ngôi làng Banjar, Lễ hội vải truyền thống Sasirangan, các cuộc thi nấu ăn dành cho khách sạn và nhà hàng đầu bếp, cuộc thi nhiếp ảnh về các dòng sông... Lễ hội Văn hóa Chợ Nổi Banjarmasin vì thế đã và đang thu hút đông đảo nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ngoài việc sử dụng các hoạt động văn hóa truyền thống để thúc đẩy du lịch sông nước, chính quyền thành phố Banjarmasin còn không ngừng tạo ra những hoạt động văn hóa mới mẻ và sáng tạo. Ngày 2/12/2018, Lễ hội Sông Banjarmasin 2018 (Festival Sungai Banjarmasin 2018) đã được tổ chức, quy tụ những màn trình diễn nghệ thuật đẹp mắt trên những con thuyền và trên sân khấu được dựng ngay chính giữa dòng sông Martapura đang cuộn mình chảy qua thành phố. Với chủ đề “Vũ hội trên sông”, lễ hội cũng là cuộc thi tài của các nhóm khiêu vũ - các tác phẩm của họ vừa đậm chất truyền thống vừa rộn ràng hơi thở đương đại.
Trò chuyện với khách du lịch ở Banjarmasin, tôi nhận thấy họ không chỉ đến đây để tận hưởng không gian thoáng đãng, thiên nhiên trù phú và sự thân thiện của con người mà còn để tham gia những hoạt động văn hóa đặc sắc, không chỉ diễn ra trên sông. Một trong những hoạt động độc đáo của năm 2018 tại đây là Lễ hội văn hóa Borneo. Lễ hội này là nỗ lực của chính quyền tỉnh Nam Kalimantan trong việc chung tay bảo tồn di sản văn hóa của cả khu vực. Banjarmasin thuộc đảo Borneo - hòn đảo lớn nhất châu Á và lớn thứ ba trên thế giới - nơi có rất nhiều dân tộc sinh sống. Lễ hội văn hóa Borneo (được tổ chức ở Banjarmasin vào năm 2018) nhằm tôn vinh văn hóa của bộ tộc Dayak. Hàng ngàn người thuộc bộ tộc này đã hội tụ từ năm tỉnh khác nhau của vùng Kalimantan (Nam, Trung, Tây, Bắc và Đông Kalimantan) để tham gia hàng các hoạt động như: diễu hành, thi trò chơi truyền thống của người Dayak (Balogo and Bagasing), thi vẽ trên những dụng cụ được sử dụng làm vũ khí săn bắn, thi những điệu múa đậm chất Dayak... Đến với lễ hội, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng trang phục truyền thống độc đáo của người Dayak: chúng không chỉ được làm từ vải mà từ gân lá và vỏ cây. Những vật trang sức như vòng cổ, thắt lưng hoặc mũ được kết từ nanh động vật, lông vũ, xương, và cả đầu động vật.
Khi nhận lời mời trở lại Banjarmasin vào tháng 10/2018 để tham gia Ngày thơ quốc tế Indonesia Banjarmasin 2018, tôi đã hân hạnh được tham gia Lễ hội Manopeng, diễn ra tại ngôi làng Banyiur, nằm ở ngoại ô thành phố Banjarmasin. Không chỉ là một lễ hội văn hóa, đây là một hoạt động mang tính chất tín ngưỡng và tâm linh. Những người tham gia lễ hội tin rằng, khi đeo những chiếc mặt nạ và tham gia vũ điệu Manopeng, họ được giao tiếp được với tổ tiên. Khởi thủy từ tập tục gia đình Datu Mahbud, Lễ hội Manopeng được chính quyền thành phố Banjarmasin nâng niu để giờ đây hoạt động này trở thành một di sản văn hóa. Qua rất nhiều thế hệ, nghi thức của lễ hội được bảo tồn và gìn giữ, đặc biệt những mặt nạ gỗ sử dụng trong vũ điệu Manopeng là những chiếc mặt nạ được cho là do chính tổ tiên của dòng họ Datu Mahbud tạo ra.
Trong khi truyền thông thế giới vẫn thường đưa tin về những thảm họa mà Indonesia đôi khi phải đương đầu: động đất, núi lửa phun trào hay thảm họa sóng thần tsunami, chỉ có những ai đặt chân đến xứ sở này mới biết những thảm họa ấy không thể nào khuất phục được tinh thần người dân nơi đây. Người Indonesia vẫn sống với niềm lạc quan, yêu đời, và một tình yêu mê đắm dành cho văn hóa và nguồn cội. Tình yêu ấy góp phần tạo nên thành công của Banjarmasin trong việc phát triển du lịch - một sự phát triển vừa hòa nhập với thế giới, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa.
|
Năm 2018 đã qua. Kế hoạch du lịch của tôi trong năm 2019 sẽ bao gồm việc trở lại Banjarmasin để ngắm bình minh lên trong đôi mắt của những người phụ nữ vừa chênh vênh vừa vững chãi trên những chiếc thuyền jukung, để hòa mình vào điệu nhảy Banjar, để phấn khích reo hò trong một lễ hội đường phố, và để nếm mùi vị béo ngậy, cay xè lưỡi của ẩm thực Banjar. Bởi vì tôi biết rằng, khi được thực sự nếm trải một nền văn hóa, tôi có thể sống thêm một cuộc đời nữa.
Nguyễn Phan Quế Mai
Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2019