Những năm qua ở Việt Nam, du lịch có tốc độ phát triển nhanh chóng, trong khi nhiều ngành kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du khách. Một số điều đáng lo ngại hiện nay là hệ thống xử lý rác thải yếu kém; nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải chưa qua xử lý; ý thức của du khách về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường còn hạn chế…
Sự quá tải về cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch thể hiện rõ nhất trong các dịp lễ hội. Lượng khách quá lớn đổ về một khu vực trong một thời gian ngắn làm cho môi trường ở các khu vực diễn ra lễ hội bị tàn phá một cách nặng nề. Không chỉ thế, những tệ nạn như chèo kéo, “chặt chém”, ăn xin… đã làm vẩn đục môi trường lễ hội, khiến người tham dự lễ hội vừa lo sợ vừa bất bình...
Để Du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch
Việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước sẽ đưa du lịch phát triển theo định hướng chung của kinh tế - xã hội đất nước. Do du lịch là một ngành mang tính tổng hợp cao, nên cần kiện toàn hệ thống pháp luật, đảm bảo sự thống nhất trong điều hành giữa các chủ thể quản lý trong hoạt động du lịch. Khi đã kiện toàn được hệ thống pháp luật liên quan đến du lịch cần kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch, từ đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho du khách, tạo điều kiện để du lịch phát triển một cách bền vững.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch
Trước những yêu cầu phát triển của ngành, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế (ASEAN, AFTA, WTO...), trình độ quản lý, nghiệp vụ của CBCNV và người lao động trong ngành Du lịch cần được nâng lên để đạt tới những chuẩn mực quy định của quốc gia và quốc tế. Để làm được điều này, cần xây dựng kế hoạch đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường khách du lịch, phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của quốc gia, đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Chương trình và nội dung đào tạo phải được chuẩn hóa, có cơ sở lý luận khoa học và gắn liền với yêu cầu thực tế của nghề nghiệp, sát với yêu cầu thực tế của từng ngành nghề, thậm chí từng vị trí chức danh mà người lao động sẽ đảm nhiệm…
Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch
Để thu hút nguồn vốn đầu tư, các địa phương cần cam kết tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác du lịch tại Việt Nam. Cần cải tiến thủ tục hành chính, ưu tiên xét duyệt cấp giấy phép nhanh chóng cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thực hiện cơ chế "một cửa", rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư để giảm bớt thời gian và phiền hà cho các nhà đầu tư. Đẩy mạnh tốc độ triển khai các dự án sau khi cấp giấy phép. Có chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn, miễn giảm thuế thu nhập có thời hạn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch.
Mở rộng hợp tác liên kết khu vực và hợp tác quốc tế
Hiện nay, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định hợp tác du lịch song phương cấp Chính phủ với các nước trong và ngoài khu vực, thiết lập quan hệ với trên 1.000 hãng du lịch của 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Du lịch Việt Nam đã tham gia hiệu quả vào các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực như Tổ chức Du lịch thế giới, hợp tác du lịch ASEAN, chương trình phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng… Việc mở rộng hợp tác liên kết khu vực và hợp tác quốc tế đã và đang góp phần giúp Du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Sắp xếp, kiện toàn hệ thống các doanh nghiệp du lịch
Việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thực hiện theo các hướng sau:
Chuyên môn hóa các lĩnh vực kinh doanh du lịch nhằm đạt tới quy mô tối ưu cho hoạt động kinh tế du lịch, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo nên các sản phẩm có chất lượng cao.
Thành lập các hiệp hội du lịch, giúp các doanh nghiệp phối hợp với nhau để giải quyết hiệu quả các vấn đề về quảng cáo sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phân phối sản phẩm… Các hiệp hội du lịch cần trở thành tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp du lịch.
Thành lập các tập đoàn du lịch có thể kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực liên quan tới việc phục vụ nhu cầu du khách: khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, xây dựng, tài chính…, điều đó cho phép doanh nghiệp vừa phát triển theo hướng chuyên môn hóa vừa tăng cường khả năng hợp tác giữa các bộ phận, chủ động và đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình phục vụ nhu cầu của khách du lịch, có khả năng đáp ứng nhu cầu của những hợp đồng có quy mô lớn…
Tuyên truyền giáo dục du lịch toàn dân
Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về vai trò tích cực của ngành Du lịch đối với sự phát triển của quốc gia trên nhiều bình diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, xã hội…, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát triển du lịch. Phát triển du lịch trong thời kỳ mới, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng giao tiếp cơ bản để xây dựng hình ảnh con người Việt Nam cởi mở, mến khách, tạo thiện cảm đối với du khách trong quá trình giao lưu, giao tiếp. Đó cũng là một cách huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia làm du lịch.
Bên cạnh đó, cần trang bị cho lực lượng xuất khẩu lao động, những người đi học tập và công tác ở nước ngoài những kiến thức cơ bản để họ có ý thức, có kỹ năng quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới…
Tăng cường phối hợp liên ngành trong phát triển du lịch
Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương cùng các ngành hữu quan (công an, ngoại giao, hải quan, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, văn hóa, y tế…) xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hành động thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch cũng như sự tiêu dùng của khách du lịch, đưa hoạt động du lịch vào nề nếp...
Tin rằng, nếu thực hiện tốt những điều này, Du lịch Việt Nam sẽ có những bước tiến dài và vững chắc trên con đường hội nhập với thế giới.
Nguyễn Anh Tuấn
Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội