Theo kế hoạch, sẽ có hai khu vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Lạt được chọn để đưa vào thực hiện thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp là khu phố Hồ Xuân Hương và khu Trại Mát. Khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9, Đà Lạt) là khu dân cư có truyền thống làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Trên địa bàn khu phố này hiện có HTX Sản xuất nông nghiệp Xuân Hương chuyên trồng và cung cấp các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên địa bàn khu phố còn có khá nhiều vườn rau, vườn dâu tây, vườn lan rất nổi tiếng và được du khách đặc biệt quan tâm. Còn Trại Mát là một vùng trồng rau, hoa, củ quả chủ yếu của Đà Lạt; nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 7km, thuộc phường 11. Trong thực tế, đây là nơi “có địa hình đồi núi thoai thoải, tạo thành những thửa ruộng bậc thang trồng rau, hoa, những con dốc lên xuống, những căn nhà cổ kính có kiểu kiến trúc đặc trưng... đã thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan”. Với những điều kiện đó, việc UBND tỉnh Lâm Đồng chọn hai khu vực khu phố Hồ Xuân Hương và khu Trại Mát làm nơi thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp là hoàn toàn hợp lý.
Theo đó, tại khu phố Hồ Xuân Hương, UBND tỉnh quyết định chọn 8 điểm khai thác chính để triển khai mô hình: Di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Nhà Văn hóa khu phố Hồ Xuân Hương, vườn dâu bà Vai, vườn lan Ysa-orchid, vườn rau ông Liên, vườn dâu Thanh Trung, vườn ươm ông Phan và HTX Xuân Hương. 8 điểm được chọn này mỗi điểm có một lợi thế riêng. Đến khu phố Hồ Xuân Hương, trước tiên, du khách đến tham quan di tích lịch sử Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; rồi sau đó ghé qua Nhà Văn hóa khu phố để được nghe giới thiệu tổng quan về tour du lịch nông nghiệp của địa phương, đồng thời tham quan một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của khu phố. Trong khi đó, tại vườn dâu bà Vai, du khách sẽ được tham quan, nghe giới thiệu và cả sự trải nghiệm về canh tác dâu tây theo công nghệ cao. Tại vườn lan Ysa-orchid, du khách vừa được tham quan các khu vực ươm, trồng hoa lan, sen đá và xương rồng; và đặc biệt hơn, du khách còn được trải nghiệm trồng, ghép các giống hoa, cây cảnh vào chậu để trở thành những sản phẩm lưu niệm. Ngoài 8 điểm được đưa vào khai thác thử nghiệm chính, cũng tại khu phố Hồ Xuân Hương còn có 3 điểm dự kiến sẽ được khai thác mở rộng là Làng hoa Thái Phiên (phường 12), Trang trại Công ty TNHH trà atisô Ngọc Duy và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến.
Ở mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát, UBND tỉnh đã chọn 3 điểm chính để triển khai là Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Linh Ngọc và khu trưng bày và bán sản phẩm đặc sản địa phương của Công ty Natural. Tại Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, du khách sẽ được tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác các giống rau, hoa công nghệ cao trong nhà kính với những thiết bị hiện đại như hệ thống tưới tự động, hệ thống điều hòa nhiệt độ...; cùng đó là được chứng kiến cảnh trình diễn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tại Công ty TNHH Linh Ngọc, du khách sẽ được tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác hoa lan và các giống hoa cao cấp theo công nghệ cao trong nhà kính; tham gia học cắm hoa; tham quan hoa viên, khu trưng bày với những tiểu cảnh, cây cảnh đặc sắc; mua sắm hoa, nông sản và quà lưu niệm. Còn tại khu trưng bày và bán sản phẩm đặc sản địa phương của Công ty Natural, du khách sẽ được tham quan, nghe giới thiệu, trải nghiệm về canh tác dâu tây theo công nghệ cao trong nhà kính, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm chế biến từ dâu tây - đặc sản của địa phương. Ngoài ra, cũng ở mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát, UBND tỉnh còn chọn 4 điểm khai thác mở rộng là chùa Linh Phước, thác Hang Cọp, đồi trà Cầu Đất và tuyến xe lửa Đà Lạt - Trại Mát.
Dự kiến, sau thời gian thử nghiệm tại Đà Lạt trong năm 2016, bắt đầu từ 2017 trở đi, tỉnh sẽ phát triển và nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, tập trung ở các địa phương Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, để mô hình thành công, một trong những yêu cầu được đặt ra là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; sự hưởng ứng tích cực của tổ chức, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, các cơ sở canh tác nông nghiệp và cộng đồng dân cư./.
Nguồn: Báo Lâm Đồng