Từ tháng 5/2014, tình hình căng thẳng ở biển Đông đã trực tiếp tạo nên tác động kép đối với ngành Du lịch Việt Nam, khiến cho khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm đột ngột; mặt khác, khách du lịch một số thị trường, đặc biệt là thị trường các khu vực nói tiếng Hoa như Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, cũng có tâm lý e ngại trước tình hình tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2014 ước đạt 674.204 lượt khách, giảm 9,62% so với tháng 4/2014.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho rằng: trong tình hình khó khăn hiện nay, sự chủ động hợp tác của các bên liên quan như hãng hàng không, khách sạn, hãng lữ hành... là rất cần thiết. Một trong những giải pháp trước mắt đó là xem xét đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ để huy động Việt kiều, các đại sứ quán chủ động thông tin về tình hình an ninh, an toàn ở Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho du lịch nước nhà để du khách quốc tế tiếp tục đến với Việt Nam trong thời gian tới.
Nhà thờ Đức Bà là một trong những địa điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thu hút đông đảo khách du lịch
Cũng tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cho rằng trước mắt cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, phục hồi hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện thông qua người thật, việc thật, không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Anh, tiếng Hoa nhằm tạo sự yên tâm cho khách du lịch. Ngoài ra, buổi làm việc còn tiếp thu những ý kiến đóng góp về việc đề xuất miễn hoặc nới lỏng visa (thị thực) cho du khách đến từ một số thị trường tiềm năng như Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Đức, Anh, Ấn Độ, Ukraine, Latvia, Estonia, Pháp, Tây Ban Nha...; ý tưởng 100 khách sạn hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh tham gia chương trình du lịch kích cầu nhằm hạ giá các sản phẩm tour du lịch, lôi kéo du khách trong nước đi du lịch và khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam...
PV