“Báu vật” sống của làng nghề
Sinh ra ở làng nghề Phước Kiều trong một gia đình nhiều đời theo nghề đúc đồng nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân Dương Ngọc Sang đã dính "hơi đồng". Khi còn là một thiếu niên, ông đã nhiều lần theo cha mình băng rừng hàng tháng trời vào tận các bản làng hẻo lánh để chỉnh sửa âm thanh cho các bộ chiêng, thanh la cũ.
Đi nhiều thành quen, làm nhiều thành thạo, nghe nhiều nên tinh, ông đã tích lũy cho mình bí quyết độc đáo về nghề thẩm âm. Ông bảo: "Tiếng chiêng phát ra không hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh cơ bắp của người cầm dùi mà còn phụ thuộc một phần vào vật liệu làm dùi, vào vị trí được gõ của bề mặt nhạc cụ...". Cũng theo ông, có người cả đời đúc chiêng nhưng không thể tự mình lấy được âm thanh chuẩn. Để có thể lấy tiếng cho chiêng, thanh la, ngoài khả năng thẩm âm, người thợ cần phải có tố chất của người nghệ sĩ. Bởi "tiếng đồng" không chỉ có hai tầng âm thanh đục - trong mà còn có rất nhiều cung âm. Nếu kể thêm những "phong cách âm thanh" của các cộng đồng dân tộc khác nhau, cung âm của tiếng đồng còn nhiều hơn nữa. Vì thế mà thẩm âm, lấy tiếng là một công việc rất kén người.
Nghệ nhân Dương Ngọc Sang đang minh họa cho khách tham quan về các công đoạn đúc đồng của làng nghề
Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển (SN 1962) được coi là người ghi chép sử làng và là hướng dẫn viên khi có khách tới tham quan làng nghề. Anh Tiển chia sẻ; anh đã đặt chân đến rất nhiều nơi như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phan Rang... đi và ghi chép, đối chiếu, kết hợp với những câu chuyện truyền miệng ở Phước Kiều, anh đã tập hợp được cả cuốn lịch sử của làng gần 400 năm. Anh Tiển cho biết, có đến ¾ số cồng chiêng Tây Nguyên là của Phước Kiều sản xuất vì sản phẩm của Phước Kiều có những đặc điểm riêng như đường ren để lại từ khuôn đúc.
Anh Tiển dự định sẽ mở một lớp đào tạo về chế tác cồng chiêng ngay tại làng nghề, đồng thời thành lập một đội cồng chiêng tại đây để người dân và du khách có thể thưởng thức tiếng cồng chiêng ngay giữa làng nghề Phước Kiều, đưa làng nghề phát triển theo hướng bền vững về du lịch văn hóa.
Bí quyết và thương hiệu
Nghề đúc đồng có những bí quyết riêng để có thể tạo ra được những sản phẩm nổi tiếng mà nhiều nơi biết đến. Một trong những bí quyết đó là pha hợp kim. Qua thời gian tồn tại, phát triển, nghề đúc làng Phước Kiều đã tích luỹ được những kinh nghiệm lớn. Để có được sản phẩm (nhất là các loại nhạc khí) người thợ phải mất nhiều thời gian, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc làm khuôn. Khuôn đất sét qua nhiều công đoạn: nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, trổ điệu... Tuỳ sản phẩm mà làm khuôn sống (dùng một lần) hoặc khuôn bền (dùng nhiều lần). Cũng tùy sản phẩm, thợ đúc áp dụng những kỹ thuật khác nhau trong việc nung khuôn, nấu kim loại, rót khuôn và ra khuôn. Mỗi gia đình có bí quyết pha chế hợp kim riêng để đúc, như đồng đỏ, đồng thau (đồng pha thiếc), đồng (đồng pha nhôm), đồng xanh (đồng pha kẽm) và đồng thòa (đồng pha vàng).
Người thợ đúc Phước Kiều tạo ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho việc tế lễ, hội hè và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: chuông đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la, lư hương, chân đèn, bình cổ... và một số nhạc cụ bằng đồng. Các nhạc cụ này có âm thanh riêng biệt, rất đặc thù. Đó là ở kỹ thuật pha trộn tỷ lệ kim loại khác nhau trong quá trình đúc đồng mà chỉ có những người thợ lành nghề mới có thể làm được. |
Trong nghề đúc truyền thống, thì làm nguội chính là công đoạn cuối trong việc quyết định chất lượng sản phẩm. Người trong làng nghề Phước Kiều quan niệm, một cái chiêng mới ra khuôn đánh lên vẫn có tiếng, nhưng chưa phải là tiếng chiêng, mà chỉ như âm thanh ban đầu của một đứa bé mới tập nói, vì thế cần phải tạo cho chiêng ngân vang. Kỹ thuật lấy tiếng nhạc khí là nét riêng của làng đúc Phước Kiều, nhờ đó có thể phân biệt nhạc khí của làng với bất cứ nơi nào khác.
Đến nay, nhiều chùa chiền ở Quảng Nam còn lưu giữ các chuông đồng, nhiều buôn làng ở phía Tây Quảng Nam, Tây Nguyên, Bình Phước... còn sử dụng những bộ nhạc khí được làm từ làng đúc Phước Kiều. Ngày giỗ tổ Không Lộ Giác Hải thiền sư (12 tháng giêng âm lịch) được xem là nghi lễ cung kính của chủ tộc dân làng diễn ra trong tiếng ngân vang của chiếc chuông được đúc từ thời Tự Đức 11 (1858). Đặc biệt, khi đúc đại hồng chung, người thợ phải ăn chay ba ngày, làm lễ cầu an mới bắt tay vào việc.
Kỷ lục mới đây nhất là ngày 30/6/2013, làng đã đúc thành công cặp lư đồng, mỗi chiếc cao 1,15m, miệng lư rộng 0,76m, thân rộng 1,08m, nặng 400kg.
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều là đơn vị đúc sản phẩm cho biết: “Để đúc thành cặp lư này, công ty đã huy động gần 20 nghệ nhân của làng đúc đồng Phước Kiều thực hiện trong thời gian 180 ngày. Đây cũng là cặp lư đồng lớn nhất từ trước đến nay do các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều thực hiện”.
Hướng đi mới cho làng nghề
Đến với làng đúc đồng Phước Kiều, ngoài việc mua sắm các vật dụng, hàng lưu niệm, du khách còn có cơ hội được trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất của nghề đúc đồng và được xem các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng do chính mình sản xuất. Chính bởi những đặc sắc của làng nghề nơi đây, tháng 10/2006 làng nghề đúc đồng Phước Kiều đã được Tổng cục Du lịch chọn làm điểm tham quan của các Bộ trưởng Du lịch tham dự Hội nghị APEC 2006.
Trước thực tế, nhu cầu mua cồng chiêng để phục dựng văn hóa dân tộc của nhiều địa phương ngày càng tăng, với những chính sách, dự án phát triển làng nghề gắn liền với các lễ hội văn hóa, du lịch, làng nghề đúc đồng Phước Kiều đang và sẽ mở ra những hướng đi mới, trở thành điểm du lịch, hấp dẫn khách tham quan.
Quang Huế