Đền Trung tọa lạc ở lưng chừng núi phía Tây Ba Vì (khoảng cốt 350m), là nơi thờ bà Ma Thị, mẹ nuôi của Tản Viên được xây dựng từ triều Lý. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại. Đền cũng là nơi thờ thánh Tản Sơn Tinh và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công). Sau đó chùa Tản Viên được xây cất bên cạnh đền.
Theo truyền thuyết dân gian, thánh Tản Viên còn được gọi là Sơn Tinh. Ông lấy công chúa Ngọc Hoa, con Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18 năm 258 TCN). Cuộc hôn nhân này đã đưa đến mối thù truyền kiếp giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thánh Tản Viên Sơn Tinh, tên thật là Nguyễn Tuấn, là người đức độ, tài cao, văn võ song toàn, có phép thần thông biến hóa, “hô phong hoán vũ” và trở thành vị thánh Tản Viên, đệ nhất đẳng thần trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng Việt.
Các khối đá cuội kết nằm ngổn ngang ở khu vực chùa Tản Viên
Các vỉa đá cuội kết nguyên gốc còn sót lại trên đỉnh đền Thượng ở độ cao 1500m, nhô ra thành mái tự nhiên của ngôi đền. Nhưng tại đền Trung ở độ cao 350m bên dưới và chùa Tản Viên cạnh đó, là hàng chục khối đá cuội kết có thành phần y như cuội kết trên đỉnh đền Thượng, chỉ khác là không tạo ra vỉa đá gốc mà nằm hỗn độn, kích cỡ rất khác nhau, đường kính 1 - 2m đến trên chục mét. Cạnh của các khối đá vẫn còn khá sắc. Cấu trúc bãi đá khối cho thấy chúng là sản phẩm của một trận lở núi. Đền Trung và chùa Tản Viên sau đó được xây cất trên bãi đá này. Nếu gắn với truyền thuyết đại chiến Sơn Tinh – Thủy Tinh thì trận lở núi này xảy ra vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, còn nếu gắn với việc đền Trung được xây dựng thời Lý thì trận lở núi lịch sử đó của núi Ba Vì chí ít cũng trên 1000 năm trước.
Bãi đá cuội kết này là chứng tích lịch sử hiếm hoi của vùng núi Ba Vì và là một địa di sản đắt giá của ngành Du lịch.
PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe