Các xã vùng cao như: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 15 - 20oC, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau thường có mây mù tạo nên những cảnh quan đẹp mắt; mùa đông thường xuất hiện băng giá. Vùng cao Bắc Yên có thảm thực vật hết sức phong phú, nhiều rừng già, đồi núi, những triền dốc có độ dốc cao; có nhiều loài thực vật, động vật hoang dã quý, hiếm. Khai thác những tiềm năng đó, nơi đây đang phát triển các loại hình du lịch phượt trên những cung đường vùng cao Bắc Yên, săn mây ở Tà Xùa và các xã lân cận, tham quan “Sống lưng khủng long”, những nương chè cổ thụ, rừng cây táo Sơn Tra...
Các xã vùng thấp ven sông Đà như Phiêng Ban, Thị Trấn, Song Pe, Chiềng Sại, Tạ Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà có khí hậu ấm áp, mưa nhiều, có sông Đà chảy qua rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ven sông Đà có nhiều bản làng thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với giao thông đường thủy như bản Ngậm, xã Song Pe; bản Cải B, xã Chim Vàn...
Huyện Bắc Yên có lịch sử hình thành từ lâu đời với các dân tộc chủ yếu là người Mông, Thái, Mường... các dân tộc có nền văn hóa truyền thống đặc sắc và phong phú, con người hiền hòa, mến khách.
Nhiều bản làng dân tộc đã bước đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng sinh thái như bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài (du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với hang vợ chồng A Phủ), bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa (du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với du lịch săn mây Tà Xùa); bản Ngậm, xã Song Pe (du lịch cộng đồng dân tộc Mường gắn với du lịch đường thủy trên sông Đà)...
Trên địa bàn huyện Bắc Yên có các di tích lịch sử - văn hóa và danh làm thắng cảnh được xếp hạng như Bãi đá khắc cổ Khe Hổ - Hang Chú (di tích cấp quốc gia), Hang A Phủ thuộc Khu căn cứ kháng chiến 99 (di tích cấp tỉnh).
Đến Bắc Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống như lợn bản, cá chua, rau cải mèo, nộm da (trâu, bò dê), da muối chua, cá gỏi, rượu Hang Chú, chè Tà Xùa, quả Sơn Tra, măng ớt Háng Đồng…, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, đan Lu cở, làm khèn (dân tộc Mông), đan lát gùi, ép khảu (dân tộc Thái)...; hòa mình vào các lễ hội truyền thống như lễ cúng dòng họ dân tộc Mông; Tết Nguyên đán, Tết Độc lập 02/9; Ngày hội Văn hóa, Thể thao Du lịch huyện Bắc Yên..., chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, ném pao, kéo co, đẩy gậy, tulu, Xên Mường, Xên Bản. Du khách sẽ đắm say trong tiếng khèn, tiếng hát của đồng bào dân tộc nơi đây.
Với mục tiêu phát triển du lịch Bắc Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, HĐND huyện Bắc Yên đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 19/12/2017 về việc thông qua Kế hoạch phát triển du lịch huyện Bắc Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch tham quan danh lam thắng cảnh; Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch cộng đồng; Du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá: Phát huy những thế mạnh sẵn có của du lịch “Phượt”, tiếp tục khai thác và phát huy, phát triển các dịch vụ đi kèm nhằm phục vụ tốt, có chất lượng, thu hút khách tham quan, du lịch.
Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết phát triển tuyến du lịch với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh như: Tuyến du lịch đường thủy Tân Lạc - Đà Bắc (Hòa Bình) - Vân Hồ - Bắc Yên - Mai Sơn; tuyến du lịch đường bộ Vân Hồ - Mộc Châu - Bắc Yên - Phù Yên - Yên Bái - Phú Thọ; liên kết các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Hồ sông Đà - Bến thuyền Tạ Khoa - Hang A Phủ - Trung tâm xã Tà Xùa - Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa - Sống lưng khủng long… Hiện nay, huyện Bắc Yên đang tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch, khai thác các tiềm năng sẵn có của địa phương để phục vụ du khách, phát triển du lịch một cách bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Với những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân thúc đẩy ngành du lịch phát triển, Bắc Yên sẽ là điểm du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Vương Nhị