Hồ Hòa Bình được hình thành sau khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1994), là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam có chiều dài hơn 100km, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m³ nước, trải rộng trên địa bàn các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và TP Hòa Bình. Trong khu lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông, trong đó 11 đảo đá vôi có diện tích 116ha và 36 đảo núi đất có diện tích 157,5ha.
Để phát triển du lịch, nhiều đảo trong khu vực lòng Hồ Hòa Bình đã được đầu tư xây dựng thành các khu du lịch sinh thái hấp dẫn như đảo Dừa, đảo Xanh, nhà nghỉ Cối Xay Gió... Nổi bật nhất phải kể đến đảo Dừa, điểm thu hút đông đảo du khách bởi sự độc đáo của những ngôi nhà sàn lớn xây dựng theo kiến trúc cổ truyền người Mường. Ngoài ra xung quanh đảo, gần sát mép hồ còn hàng chục ngôi nhà sàn nhỏ gọn nằm quay mặt ra phía hồ dành riêng cho khách du lịch đi nghỉ theo gia đình.
Tại đây, du khách được tự do tắm, câu cá, đốt lửa trại, rủ nhau hái quả tại các vườn cây ăn quả hoặc bơi thuyền thăm các đảo xung quanh,... Ngoài việc được đắm mình vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, du khách và người thận còn được thưởng thức những món ăn đặc sản sông Đà do chính gia đình chủ đảo nuôi, trồng và chế biến theo cách thức, gia vị truyền thống riêng của người dân bản địa như cá hun khói, thịt lợn nướng, rau rừng đồ chấm lòng cá,...
Công viên nước nổi (xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) là một điểm nhấn của Khu du lịch Hồ Hòa Bình, luôn thu hút khá nhiều bạn trẻ thích mạo hiểm. Với 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước, du khách sẽ được trải nghiệm các môn thể thao dưới nước như mô tô nước, thuyền bơm hơi, chèo thuyền tôm, câu cá, ca nô, thuyền Kayak, bè mảng, … đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi. Tại đây, du khách có thể thăm bảng Ngò để khám phá giá trị văn hóa Mường với những điệu cồng chiêng, múa sênh tiền, hát Mường, diễn xướng Mo Mường, phiên chợ quê, khám phá quần thể hang động karst.
Du khách sẽ tiếp tục hành trình khám phá hang động Karst nguyên sơ như động Thác Bờ, động Hòa Tiên- Di tích cấp quốc gia. Lạc vào “cõi tiên” du khách sẽ thấy những khối thạch nhũ khắc họa muôn hình vạn trạng cảnh đẹp, nào là những ông bụt, cô tiên hay suối tóc mây kéo dài, tùy theo khả năng tưởng tượng của từng người.
Đến với Hòa Bình, phải trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên mặt hồ để cảm nhận được vẻ đẹp, sự hùng vĩ của hồ Hòa Bình. Khách du lịch có thể xuất phát từ một trong hai địa chỉ là cảng Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) hoặc cảng Bích Hạ, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình).
Ngồi trên thuyền, chúng ta mới có thể cảm nhận được những âm thanh của núi rừng hùng vĩ, hơi nước từ lòng hồ sâu thẳm bốc lên mặt khiến cho ai nấy đến thấy miên man trước không gian bao la rộng lớn. Nước hồ trong xanh, cùng với hệ thống đảo đá karst huyền bí nổi trên mặt hồ vẽ nên một bức tranh thủy mặc vô cùng ấn tượng.
Bất cứ ai đã đến hồ Hòa Bình, chả cần tay máy giỏi cũng có được những bộ ảnh đẹp được thực hiện ngay trên thuyền. Phần lớn những chủ thuyền nơi đây đều là những hướng dẫn viên du lịch “có nghề”. Họ sẽ tư vấn cho bạn lựa chọn ghé thăm động Thác Bờ hay dừng chân, nghỉ lại tại các xóm, bản ven sông như xóm Đá Bia (xã Tiền Phong), xóm Ké (xã Hiền Lương), bản Ngòi (xã Ngòi Hoa) để tìm hiểu văn hóa của người dân; trải nghiệm đạp xe, đi bộ xuyên núi... Ngoài ra họ cũng là “đầu bếp” cừ khôi, thiết đãi những món ăn truyền thống mang đậm bản sắc như lợn bản địa, gà nấu măng chua, cá sông nướng…
Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là khách nước ngoài thì lại thích khám phá hồ Hòa Bình bằng thuyền tôm - là loại thuyền nhỏ của người dân sống ở vùng hồ sông Đà. Thuyền tôm chỉ chở được khoảng 2 người, có tốc độ tương đối cao khi di chuyển trên mặt nước, có thể luồn lách khám phá những đảo nhỏ mà thuyền du lịch chở 12 - 15 người không vào được.
Ngồi trên thuyền tôm trải nghiệm sông Đà sẽ được thử cảm giác mạnh tốc độ, mọi thứ nhanh chóng bị bỏ lại sau lưng. Đặt tay bên cạnh mạn thuyền, bạn sẽ thấy những cột nước nhỏ tung lên, tận hưởng một cảm giác rùng mình thú vị.
Nguồn: kinhtedothi.vn