
Nghệ nhân Trần Thị Thu đang làm tranh cát
Trong dịp Festival Biển Nha Trang 2011, nghệ nhân Trần Thị Thu đã được mời trưng bày và chế tác tranh cát ngay tại khu di tích Tháp Bà Ponagar để giới thiệu cho du khách một sản phẩm mỹ thuật độc đáo của thành phố du lịch Nha Trang. Những vị khách nước ngoài tò mò ghé thăm và ngắm nghía những bức tranh nhỏ đóng khung kính bày trong gian phòng. Họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những bức tranh được làm từ cát. Nghệ nhân ngồi đó, chú tâm xúc từng thìa cát đổ vào khung tranh và từng đường nét trên bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh dần hình thành trước sự trầm trồ thán phục của những du khách đang tập trung càng lúc càng đông quanh bà.
Nghệ nhân Trần Thị Thu cho biết, bà sáng tạo ra dòng tranh nghệ thuật này dựa trên những kiến thức bà học trong bốn năm ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Một ngày vào năm 2003, các con của bà mang về nhà hai túi cát màu đen và vàng từ vịnh Vân Phong, bà đã ngạc nhiên bởi màu sắc tuyệt đẹp của nó. Lúc đó, bà muốn làm nên tác phẩm gì đó từ loại vật liệu này. Bà đã bảo các con của mình mang về cho bà nhiều cát hơn với nhiều màu khác nhau. Đầu tiên bà làm sạch cát, phơi khô, sàng lọc theo màu sắc và kích thước hạt cát cho đến khi bà có được thứ bột rất mịn và tinh khiết. Bà dùng thứ bột đó và vẽ bằng những dụng cụ rất thô sơ như chiếc thìa tre dài, mỏng để xúc cát đổ vào khung, chiếc que tre nhọn một đầu để điều chỉnh màu. Với tranh cát, không thể có sai sót, nếu đặt một hạt cát sai vị trí thì tức là cả bức tranh đã bị hỏng. Không thể xóa đi như khi dùng màu vẽ, cả bức tranh sẽ bị hủy hoại và phải làm lại từ đầu”. Nghệ nhân Trần Thị Thu chia sẻ: “Khi tôi cố gắng để vẽ được cái bóng mái chèo của con thuyền in trên mặt nước, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về nó, thậm chí khi đi ngủ tôi cũng mơ về điều đó".
Thất bại và định từ bỏ nhiều lần, nhưng nghệ nhân vẫn luôn thuyết phục bản thân mình rằng phải thử một lần nữa, rằng sự thành công có khi nào đến từ lần trải nghiệm đầu tiên. Sau nhiều cố gắng, những cảnh đẹp của Nha Trang như tháp Bà Po Nagar, vịnh Nha Trang, bãi biển, những cây cầu, các cô gái Việt trong trang phục truyền thống, tranh thư pháp chữ Hán… cũng dần dần hiện ra. Không chỉ thế, sau khi những bức tranh đầu tiên thành công, nghệ nhân Trần Thị Thu bắt đầu sáng tạo ra tranh cát hai mặt, cách làm khó hơn nhiều lần, và bà đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, những món quà lưu niệm tuyệt vời đối với du khách. Bà chọn những khung kính hoặc nhựa trong suốt có độ dày hơn bình thường, đổ cát vào trong lòng khung và vẽ trên cả hai mặt tranh một lúc, tạo ra những hình ảnh khác nhau trong cùng một khung tranh.

Các tác phẩm tranh cát của nghệ nhân Trần Thị Thu
Vừa qua, bà lại cho ra đời tranh cát đựng trong ly rượu vang. Bà đổ cát vào trong ly và tạo nên những bức tranh sống động vòng quanh thân ly. Sau khi hoàn thành, bà gắn keo để đóng khung tranh lạ, nhờ đó bức tranh có thể mang đi bất cứ đâu mà cát bên trong không hề bị xô lệch. “Tôi vừa vẽ vừa nén chặt cát lại chứ tuyệt nhiên không hề trộn cát với bất kỳ chất kết dính nào. Tôi và các con đã thử vận chuyển tranh cát thành phẩm bằng xe máy, xe hơi và thậm chí trên máy bay để kiểm tra tình trạng của tranh trên các phương tiện vận chuyển khác nhau” – bà Thu cho biết.
Cho đến nay, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười trên chiến khu Việt Bắc là một trong những tác phẩm tạo cảm hứng nhiều nhất cho nghệ nhân Trần Thị Thu. Nhìn bức tranh này, nhiều họa sĩ thừa nhận rằng họ không thể vẽ Bác sống động như cách bà vẽ bằng cát.
Với mong muốn cả gia đình cùng phát triển thương hiệu tranh cát Hồng Châu Sa, nghệ nhân Trần Thị Thu đã nỗ lực truyền nghề cho các con mình. Chị Trần Thị Ngọc Anh, con dâu trưởng của nghệ nhân cho biết: "Tôi đã rất tò mò về những gì mẹ tôi đã làm, cuối cùng bà đã cho tôi cơ hội thử làm tranh cát". Chị bắt đầu học vẽ tranh cát vào năm 2006 và không bao lâu sau đã trở thành phụ tá đắc lực cho mẹ chồng mình.
Những người đàn ông trong gia đình thường đi lấy cát khắp vùng biển rừng trong vòng bán kính 250km quanh TP. Nha Trang. "Cát màu trắng, cam, vàng, đỏ và đỏ sẫm chủ yếu có trong những hố cát gần biển trong khi cát đen thì phải tìm trong các hẻm núi và khe suối", anh Trịnh Anh Hùng, con rể nghệ nhân Trần Thị Thu giải thích. Mỗi năm anh Hùng và những người anh em của mình thường đi đến tỉnh Bình Thuận trong vài ngày, thuê thêm công nhân và chở về nhà khoảng 2 - 3 tấn cát thô. Thu thập cát thực sự cần phải chịu khó, chịu khổ. Nhiều khi họ phải cõng những túi cát nặng đến hàng chục cân rồi đi bộ quãng đường 5 - 7km từ nơi lấy cát đến nơi đậu xe.
Có thể nói, với niềm đam mê và sự sáng tạo, nghệ nhân Trần Thị Thu và những người con của mình đã góp phần tạo ra một dòng tranh độc đáo cho nền hội họa Việt Nam./.
Ngô Minh