![](/FileManager/uploads/images/Nam2012/11-2012/suvevang.jpg)
Một sản phẩm sứ vẽ vàng của ông Bùi Xuân Hải
Trước đây, không ít "tín đồ" của nghệ thuật gốm sứ đã từng được thấy đồ sứ vẽ vàng của ông Bùi Xuân Hải qua bộ đồ thờ trên điện Kính Thiên thuộc khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay vòm trần vẽ vàng trên sứ của gia đình ông Mai Thế Huyên ở khu Vườn Đào, vòm trần dát vàng tại Showroom 27 Bát Đàn... Các chuyên gia cho rằng, Hải "đồ cổ" là người khởi xướng, cổ vũ cho xu hướng phát triển công nghệ sản xuất đồ sứ mới của Việt Nam. Đó là kỹ thuật, nghệ thuật dùng vàng ròng vẽ bằng tay lên sứ (được biết, từ cuối đời nhà Minh sang đến đầu nhà Thanh - Trung Quốc cũng đã xuất hiện một số rất ít đồ sứ vẽ vàng dành cho bậc quân vương, các nhà quyền quý và dường như kỹ thuật tinh xảo này đã hoàn toàn bị thất truyền). Xem ra quy trình làm sứ của Hải "đồ cổ" cũng không có gì khác lạ. Đất được mua ở Bát Tràng, Hải Dương và thi thoảng nhập từ nước ngoài, sau khi phân loại được người thợ chuốt nặn tạo hình sản phẩm. Sản phẩm được sơ chế bước một, để cho se dần, sờ tay không thấy dính thì tiến hành chạm khắc trang trí nổi, chìm, đưa vào sơ nung và tráng men. Nếu làm ra hàng trắng "bạch định" thì vẽ toàn vàng, còn không thì vẽ sứ hoàn kim, vẽ xanh trắng rồi đem nung ở nhiệt độ 1.3000C để sứ tự động lên màu. Cái đẹp của sứ vẽ vàng ròng thương hiệu "Hải đồ cổ" không chỉ ở đường nét tạo dáng với những nét gợi cảm mà còn ở màu men, bí quyết của kỹ thuật vẽ vàng.
Ngày khai trương Showroom 27 Bát Đàn, nhiều người ham mê nghệ thuật gốm sứ trong nước và quốc tế, trong đó có không ít người là cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện thương mại, thương gia các nước phương Tây, Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp lung linh của đồ sứ vẽ vàng do ông Bùi Xuân Hải chế tác. Nếu đem so với đồ sứ lam ngọc, bích ngọc, lục bảo ngọc, hồng ngọc, tuý hồng ngọc... của các lò sứ Giang Tây, Cảnh Trấn Đức nổi tiếng của Trung Quốc thì đồ sứ vẽ vàng của Hải "đồ cổ" xem ra có chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật hơn hẳn, nhất là về nghệ thuật trang trí vẽ tay, độ sáng bóng và không bị bào mòn theo thời gian. Đặc biệt, một vài thương gia Đài Loan làm ăn lâu năm ở Việt Nam cho biết họ không thể tin nổi đây là sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam, cho dù các đề tài trang trí thể hiện trên sản phẩm hầu hết là thuần Việt. Chỉ đến khi ông Hải đích thân phân tích, giúp khách hàng phân biệt về sự khác biệt giữa dòng sứ vẽ vàng ròng Việt Nam với đồ sứ cao cấp của Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Canada (sứ vẽ vàng Việt Nam bền tới mức dùng vật bằng kim loại cạo mạnh cũng không hề để lại vết)... thì họ mới tin.
Theo ông Bùi Xuân Hải, để làm chủ kỹ thuật vẽ vàng trên sứ, ông đã phải bỏ ra hơn 20 năm mày mò nghiên cứu, chế tác, sản xuất thử, trải qua hết thất bại này đến thất bại khác, nhiều khi thấy nản lòng, muốn buông xuôi, nhưng rồi ông đã thành công. Ông tin tưởng rằng trong tương lai không xa, công nghệ sứ vẽ vàng còn có thể trang trí cả ngoại thất các công trình kiến trúc với một chi phí giảm rất nhiều lần so với kiểu dát vàng kim loại truyền thống của Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Đông…, mà độ bền không hề kém. Được biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn và nổi tiếng ngỏ ý muốn liên doanh liên kết tham gia với ông Hải để phát triển sản xuất đồ sứ vẽ vàng.
Hy vọng, sự ra đời của đồ sứ vẽ vàng ròng Việt Nam với thương hiệu "Hải đồ cổ", có chất lượng, mỹ thuật tốt, lại có giá rẻ hơn nhiều lần so với đồ gốm sứ cao cấp cùng loại của nước ngoài sẽ sớm "lội ngược dòng thành công" trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường nội địa và giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh không cân sức trên thị trường thế giới.
Trần Phương