Những ai từng nghe nhạc của chị đều có chung cảm nhận rằng những ca khúc của Giáng Son dù có hiện đại đến thế nào vẫn luôn chất chứa tâm hồn Việt và phảng phất chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam (phải chăng vì chị có cha là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Hoàng Kiều - tác giả vở chèo "Xúy Vân" và mẹ là nghệ sĩ chèo Bích Ngọc?!). Hiện chị cũng là giảng viên âm nhạc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam, nơi ươm mầm những thế hệ nghệ sỹ tương lai.

*“Tháng giêng hoa đào bừng nở, đón xuân khoe sắc hồng tươi/Tháng hai hoa ban ngập tràn, tím biếc những gương mặt phố…”. Nhiều người thắc mắc tại sao chị lại có cách “đếm hoa” độc đáo như vậy, đếm hoa bằng những câu hát. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi từ rất lâu rồi đã nung nấu muốn viết thêm một ca khúc về Hà Nội mà tôi phải thật ưng ý. Nhưng vì những đề tài về Hà Nội đã được các nhạc sĩ thế hệ trước viết rất hay và quá thành công rồi nên việc tìm được chủ đề, ý tứ mới cho ca khúc là rất khó. May mắn tôi đọc được một bài báo viết về những mùa hoa ở Hà Nội và ngay lập tức tôi thấy đây là một chủ đề rất hay mà chưa ai đưa vào ca khúc! Tôi đã hoàn thành ca khúc rất nhanh trong vài tiếng. Cái khó là để đưa đặc trưng từng loại của từng tháng vào làm sao cho phù hợp với giai điệu mà không bị rập khuôn! Tôi phải chắt lọc từ ngữ và đảo các câu chữ rất nhiều! 12 mùa hoa đặc trưng của 12 tháng của Hà Nội tôi lựa chọn để phù hợp nhất với giai điệu chứ không phải Hà Nội có mỗi 12 loại hoa này! Hà Nội còn rất nhiều loại hoa đẹp khác mà tôi chưa thể đưa vào ca khúc được!
*Chị từng đạt giải thưởng Ca khúc ấn tượng nhất với bài “Giấc mơ trưa” trong chương trình Bài hát Việt - Đài Truyền hình Việt Nam; Giải thưởng Ca khúc nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với bài “Cỏ và mưa”. Đó có phải là những bài hát chị tâm đắc nhất trong số những tác phẩm của mình?
Tôi có nhiều ca khúc tâm đắc khác như Chút nắng vàng bay, Khát, Bóng tối jazz, Thu cạn... Mỗi ca khúc đều có số phận của nó nên khi đến với khán giả sẽ có sự yêu thích khác nhau.
*Lớn lên trong gia đình có truyền thống biểu diễn và nghiên cứu chèo nhưng từ nhỏ chị đã được hướng theo âm nhạc Tây phương, vậy chị đã làm gì để vẫn có thể nối truyền, gìn giữ bản sắc gia đình, bản sắc văn hóa dân tộc qua những tác phẩm âm nhạc?
Đó chính là sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc cổ điển tôi yêu thích! Đối với tôi, âm nhạc dân tộc phải được phát triển sáng tạo qua bàn tay của các nhạc sĩ trong các tác phẩm của mình. Khán giả thấy vừa thân quen vừa lạ lẫm thú vị thì sẽ thành công.
*Thời gian gần đây chị thường tham gia làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc dành cho giới trẻ. Chị đánh giá như thế nào về những bạn trẻ Việt Nam tham gia hoạt động âm nhạc hiện nay?
Nhiều bạn trẻ tôi tiếp xúc hoặc làm việc trong các chương trình truyền hình thực tế rất thông minh, cá tính, có nhiều tài năng, không chỉ hát hay mà sáng tác rất văn minh, hiện đại! Họ còn biết kết hợp âm nhạc dân tộc vào bài hát của mình rất nhuần nhuyễn! Tôi rất hy vọng vào một lớp trẻ như vậy! Nhưng tôi rất thương họ vì họ cũng khá cô đơn và phải vật lộn trong thị trường âm nhạc vẫn còn nhiều bát nháo, dễ dãi như hiện nay! Họ là những người cần được nâng đỡ để tỏa sáng!
*Chị có thường đi du lịch không? Chuyến đi nào, miền đất nào để lại trong chị ấn tượng sâu sắc nhất?
Mỗi năm tôi cũng đi du lịch vài lần. Tôi vừa đi đến Mông Cổ và cảm thấy thật tuyệt! Một đất nước trải dài toàn những thảo nguyên mênh mông xanh ngát và những đàn gia súc tha thẩn bình yên gặm cỏ! Người dân Mông Cổ cực kỳ có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên! Chúng ta phải học họ rất nhiều!
*Hiện nay, ngày càng có nhiều người lựa chọn đi du lịch vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Chị đã từng có trải nghiệm như thế bao giờ chưa?Chị nghĩ sao về xu hướng này?
Tôi rất yêu tết cổ truyền nên tôi chưa bao giờ đi du lịch vào dịp tết! Tết là dịp đoàn tụ gia đình anh em họ hàng của cả một năm nên tôi không muốn mất đi không khí ấm áp này!
*Xin cảm ơn nhạc sỹ Giáng Son rất nhiều!
PV (thực hiện)