Kế hoạch này được các nhà quan sát trong ngành gọi là “giấy thông hành tiêm chủng” nhằm hợp lý hóa việc đi lại sau khi biên giới mở cửa trở lại. Hộ chiếu tiêm chủng kỹ thuật số này giúp hành khách lưu trữ thông tin xác thực về sức khỏe của họ ở một nơi.
Theo Jennifer Sepull - Giám đốc kỹ thuật số của Air New Zealand, “Về cơ bản nó giống như việc có một chứng chỉ sức khỏe kỹ thuật số có thể được chia sẻ dễ dàng và an toàn với các hãng hàng không”. Và, hộ chiếu tiêm chủng kỹ thuật số được phát triển dựa trên một ứng dụng do Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế và các hãng hàng không khác, bao gồm Etihad và Emirates xây dựng và đăng ký thử nghiệm của riêng họ.
Đây là một cột mốc quan trọng trong việc khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi các đợt triển khai vắc xin toàn cầu đang được tiến hành. “Chính phủ các nước có thể tin tưởng rằng những hành khách 'OK đi du lịch' là họ đã hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu phòng dịch Covid-19 khi tham gia đi lại” - ông Nick Careen, Phó Chủ tịch cấp cao của Air New Zealand nói. Đồng thời ông Careen cũng cho biết thêm, ứng dụng này sẽ đảm bảo quyền riêng tư bằng cách cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu sức khỏe mà họ cung cấp.
Được biết, một số quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển đang nghiên cứu phát triển hộ chiếu sức khỏe của riêng họ. Liên minh châu Âu cũng đang xúc tiến triển khai một loại thẻ “green pass” (thẻ xanh đi lại) chứng nhận đã tiêm vắc xin, giúp cư dân của khối này có thể đi lại tự do giữa các nước trong EU và ra nước ngoài.
Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Hàng không quốc tế, có 290 hãng hàng không thành viên, đang tung ra một ứng dụng du lịch cho phép các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và các hãng hàng không thu thập và chia sẻ kết quả tiêm phòng của khách du lịch và kiểm tra Covid-19.
Singapore Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên đưa ứng dụng này vào sử dụng trên các chuyến bay từ Singapore đến London từ ngày 15/3 và có tới 30 hãng hàng không khác sẽ dùng thử ứng dụng này trong hai tháng tới.
Khải Bình