Rừng ngày càng thu hẹp
Theo số liệu thống kê, tại Quảng Nam, rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành từ hơn 500ha rừng trước năm 2.000, đến nay tổng diện tích rừng hỉ còn hơn 100ha. Tập trung ở các xã như Tam Giang Tam Hải, Tam Nghĩa. Trong khi đó các diện tích rừng ngập mặn dọc ven biển ở các đại phương khác cũng ngày càng thu hẹp.
Còn tại thành phố Hội A, Quảng Nam, khu rừng dừa Bảy Mẫu rộng 120ha. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thành phố đã trồng mới thêm vài chục ha. Chủ trương khai thác du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản khu vực rừng dừa Bảy Mẫu của chính quyền thành phố Hội An tạo điều kiện để cộng đồng cùng hưởng lợi. Thế nhưng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là thi nhau chặt dừa nước để san lấp lấy mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp còn đổ đất đá xây kè chắn rồi bơm nước ngọt vào cho dừa tự chết.
Còn tại Quảng Ngãi cũng chính vì sự nuôi tôm mà hàng trăm ha rừng bị san ủi, chặt phá. Theo ông Trần Đình Tiến- Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, trước đây xã có đến hơn 50ha rừng ngập mặn. Thế nhưng, nhiều người dân bất chấp sự vận động, can ngăn của chính quyền mà ồ ạt phá đi rất nhiều diện tích đước, sú, dừa nước. Dần dần, khu vực này chỉ còn vài cây trên diện tích chưa đầy 1ha.
Chính vì những cái lợi trước mắt, bất chấp sự khuyến cáo, tuyên truyền của chính quyền, rừng ngập mặn ngày càng thu hẹp. Càng đáng lo, rừng ngập mặn không chỉ là lá chắn sống chống gió bão mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật như: chim, cò, cá, tôm,…. Khi mất đi môi trường sống những loại sinh vật nói trên cũng biến mất dần, nguồn thu nhập của người dân từ sự đánh bắt hải sản cũng không còn.
Nỗ lực, hồi sinh phát triển rừng
Thấy được sự mất rừng ngập mặn sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường hết hậu quả, Thủ tướng Chính cũng phủ đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho 19 tỉnh, thành ven biển, trong đó có Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới gần 60.000ha rừng, nâng cao độ che phủ của rừng ven biển lên 20%.
Riêng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi thời gian vừa qua, hai tỉnh đã quyết tâm khôi phục, phát triển rừng ngập mặn. Đồng thời xử lý nghiêm những kẻ cố tình tàn phá rừng ngập mặn.
Như đối với sự xâm phạm rừng dừa bảy mẫu trái phép, lãnh đạo thành phố Hội An đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý rất kiên quyết. Được biết, TP Hội An đã thống kê 19 trường hợp vi phạm xâm hại khu vực dừa nước và đã ra quyết định xử lý từng trường hợp cụ thể.
Quảng Nam, theo kế hoạch, năm 2018, dự án trồng rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Núi Thành sẽ triển khai tại xã Tam Hòa với quy mô gần 8ha. Còn Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, với tổng diện tích trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,55ha, với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng đang tiến triển tốt.
Với sự vận động, tuyên truyền tích cực người dân cũng đã sớm nhận ra hậu quả của việc tàn phá rừng ngập mặn. Ông Nguyễn Ngọc Chính, ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang chia sẻ: “Người dân quê tôi đã thấy tác hại của việc phá rừng và lợi ích thiết thực của dự án phục hồi rừng ngập mặn. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng trồng không để người dân chặt phá rừng như những năm về trước nữa”.
Còn tại Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn, nhằm giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.
Giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Ngãi có 4 dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển là trồng mới 308ha rừng ngập mặn; trồng 192ha rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường; trồng 200ha, cải tạo 50ha rừng ngập mặn ven biển các xã ven biển. Như tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, trong vòng 2 năm nay, đã có hơn 60ha diện tích cây đước và cóc trắng bản địa được trồng mới, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn tại đây lên gần 100ha.
Thực tế, việc bảo vệ rừng ngập mặn tốt, thì rừng không chỉ là lá chắn sóng bảo vệ nhà của người dân trước gió bão từ biển khơi đổ bộ vào mà rừng mà còn giúp phát triển kinh tế một cách hiệu quả. Vì rừng ngập mặn phát triển trở thành nơi sinh sản và trú ngụ của các loài thủy hải sản và chim chóc,... Nếu khai thác thủy hải sản đúng sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân. Thật đáng mừng khi chính quyền và bà con nơi đây đã cùng nhau ký vào cam kết trong quy chế ban hành quản lý và sử dụng rừng ngập mặn có hiệu quả. Ai xâm hại đến rừng bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Nguồn: daidoanket.vn