Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây sông Hậu, thuộc châu thổ sông Cửu Long, Hậu Giang có nhiều danh thắng đẹp do thiên nhiên ban tặng, cùng các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng hấp dẫn du khách.
Di tích lịch sử chiến thắng Chương Thiện
Đây là di tích lịch sử duy nhất ở Hậu Giang được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Trước đây, di tích này có tên gọi là Di tích Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân Khu 9.
Di tích Chiến thắng Chương Thiện gồm 2 điểm: khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh và ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật, ảnh tư liệu về một số trận đánh tiêu biểu của quân và dân ta. Đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình tham quan Hậu Giang của du khách.
Di tích đền thờ Bác Hồ
Đền thờ Bác Hồ thuộc ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, được nhân dân trong vùng lập nên từ năm 1969 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đền thờ được xây dựng trên khoảng đất rộng gần 2 ha, với nhiều công trình kiến trúc rất trang trọng và tôn kính.
Hàng năm, vào những ngày lễ lớn như 19/5, 2/9... Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương rất trang trọng để tưởng nhớ Bác.
Di tích Chiến thắng Tầm Vu
Di tích Chiến thắng Tầm Vu thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Địa điểm Chiến thắng Tầm Vu là nơi diễn ra 4 trận đánh quan trọng trong lịch sử cách mạng địa phương những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đến thăm khu du tích, du khách sẽ tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Tầm Vu và chiêm ngắm tượng đài chiến thắng cao khoảng 10m, nổi bật lên giữa trời xanh, bên cạnh là hồ sen nở hoa rất đẹp.
Di tích căn cứ tỉnh ủy Cần Thơ
Di tích căn cứ tỉnh ủy Cần Thơ thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, được xây dựng trên khoảng đất rộng khoảng 6ha và bao bọc bởi chiến hào: kinh Xáng Lái Hiếu, kinh Cả Cường, kinh Rạch Cũ, kinh Bà Bái. Trung tâm di tích là hội trường, nơi diễn ra hội nghị đề ra chỉ thị đánh phá kế hoạch bình định của địch.
Ngày nay, khu di tích này đã được tôn tạo khang trang, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ - Hậu Giang. Đây còn là điểm du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Di tích khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu
Đây là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc tại khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, trong khuôn viên Khu văn hóa Hồ Sen. Nơi đây được xây dựng một cách công phu, là công trình thí điểm cho kế hoạch bình định tại miền Nam Việt Nam của Mỹ.
Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu được đầu tư mở rộng trên diện tích 1ha, với nhiều hạng mục: cụm tượng đài, phù điêu; nhà trưng bày hiện vật, tranh, ảnh về địch lập khu trù mật, sự nổi dậy phá vòng vây của địch... phản ánh sinh động lịch sử truyền thống cách mạng năm xưa tại vùng đất Vị Thanh - Long Mỹ.
Ngày nay, khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu là điểm về nguồn của thế hệ trẻ và du khách gần xa, có thể tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Di tích ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam Bộ
Di tích tọa lạc tại phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, cách thành phố Vị Thanh khoảng 60km. Đây là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam Bộ, là trung tâm của hai điểm tập kết Cần Thơ và Cà Mau sau Hiệp định đình chiến năm 1954.
Khi đến thăm di tích, qua những hình ảnh, hiện vật, mô hình trưng bày, du khách sẽ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.
Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình
Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình thuộc khu vực 2, phường 7, thành phố Vị Thanh. Đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia được tỉnh Hậu Giang đầu tư xây dựng vào năm 2011, trên diện tích hơn 20.300m2, gồm các hạng mục: tượng đài, phù điêu, nhà trưng bày và các công trình phụ trợ khác. Đây là một trong những nơi vừa giáo dục truyền thống, vừa là điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho người dân vào các ngày lễ, kỷ niệm trong năm.
Ngày nay, bên cạnh dòng sông ghi dấu chiến tích lẫy lừng thuở nào, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng một tượng đài để tưởng nhớ các chiến sĩ tham gia trận đánh năm xưa, cùng nhà trưng bày xác chiếc tàu chiến của địch bị quân ta đánh đắm năm nào.
(Nguồn: vnexpress.net)