Sáng nay, 22/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Hà Nội và dự kiến diễn ra trong 24 ngày, bế mạc vào 21/11. Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày xây dựng pháp luật. Thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.
Đây là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Bầu Chủ tịch nước
Ngay trong ngày khai mạc, Quốc hội khởi động quy trình bầu Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10. Việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho rằng việc Tổng bí thư kiêm nhiệm thêm Chủ tịch nước là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế. Ông nhấn mạnh đây là "việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân rất hoan nghênh”.
Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê cũng cho rằng Tổng bí thư làm Chủ tịch nước phù hợp với xu thế chính trị của thời đại, là phương lược chính trị của nhiều quốc gia xung quanh.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định đây là điểm mới khi lần đầu tiên Trung ương giới thiệu Tổng bí thư sang Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Cũng về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn và xem xét, phê chuẩn Bộ trưởng mới. Quy trình diễn ra trong ngày 23-24/10.
Người giữ chức quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông hiện là ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh
Tại kỳ họp, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Từ chiều 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 người.
Các lãnh đạo đảm nhiệm chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Quốc hội; 12 chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 20 bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
So với lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất (năm 2014), kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông; do tính đến thời điểm lấy phiếu hai người giữ chức danh này chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định.
Trong danh sách 48 người lấy phiếu tín nhiệm lần này có 14 vị đã từng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào lần đầu tiên (2013) và 15 vị vào lần thứ hai (2014).
Trước kỳ họp Quốc hội khoảng một tháng, 48 người trong danh sách đều đã gửi báo cáo đánh giá hoạt động của mình tới Quốc hội. Mỗi báo cáo được giới hạn trong 5 trang giấy.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cả quá trình công tác, nhiệm vụ được giao, kết quả hoàn thành, trong đó có cả việc tham khảo ý kiến của nhân dân. Cũng vì lý do này và để khách quan, việc lấy phiếu tín nhiệm được đẩy lên trước phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Ông cũng khẳng định không có chuyện các thành viên của Quốc hội có "ưu thế" hơn các chức danh khác khi lấy phiếu tín nhiệm.
"18 thành viên của Quốc hội có nhiệm vụ khác so với thành viên Chính phủ. Do đó đều phải căn cứ vào nhiệm vụ và mức độ hoàn thành để đánh giá", ông Phúc chia sẻ.
Nhiều quyết định quan trọng liên quan đến kinh tế
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Nếu thông qua, Việt Nam là nước thứ 5 trong số 11 nước thông qua hiệp định này. CPTPP có hiệu lực khi có ít nhất 6/11 nước thông qua.
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Hiệp định CPTPP là nội dung mang ý nghĩa quan trọng với đất nước.
CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.
Với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới một cách phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Do là kỳ họp cuối năm, cũng là giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020.
Quốc hội cũng nghe báo cáo và cho ý kiến việc thực hiện nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo giữa kỳ thực hiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020...
Tại phiên họp trước thềm kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành về những rủi ro của tác động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, cũng cần chú ý những rủi ro về lạm phát, tỷ giá, các rào cản về thủ tục hành chính…
Thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Về công tác lập pháp, Quốc hội dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Dự kiến dự án luật quan trọng là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
Ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra), cho biết dự thảo luật đã cơ bản hoàn thiện song vẫn còn một vấn đề lớn có nhiều ý kiến khác nhau là quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Hiện, còn 2 loại ý kiến khác nhau nên bản dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình ra Quốc hội vào kỳ họp 6 sẽ trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, với phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Trên cơ sở các chứng cứ, ý kiến tranh tụng, tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết để bảo đảm tính minh bạch, công khai.
Với phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng với cách xử lý như phương án 2 thì quá nhẹ cho các đối tượng tham nhũng, bởi tài sản mà họ có được do tham nhũng chỉ cần phải nộp một khoản thuế nhất định là xong.
Ngoài dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội dự kiến thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Chất vấn giữa nhiệm kỳ
Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn số lượng thành viên Chính phủ cụ thể. Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người đã được chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bà đồng ý để các đại biểu khi đăng ký chất vấn sẽ có số thứ tự cụ thể để người điều hành, người đăng ký chất vấn được theo dõi một cách rõ ràng.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, nếu có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông thì Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay.
Trong 3 ngày, mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút. Người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề…
Quốc hội cũng xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5…
Kỳ họp quan trọng, yêu cầu không giao lưu tiệc tùng
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là kỳ họp cuối năm, giữa nhiệm kỳ đóng vai trò rất quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước gồm cả lập pháp và hành pháp. Đặc biệt là quyết định nội dung nhân sự và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá kỳ họp thứ 6 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề. Vì vậy bà yêu cầu các đại biểu Quốc hội phải nêu gương “tập trung họp, không tập trung giao lưu tiệc tùng”.
Bà cũng yêu cầu các thành viên Quốc hội tăng cường gặp gỡ và cung cấp thông tin tới báo chí bên hành lang Quốc hội. Với những phiên không truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phải tăng cường thông tin nội dung tới báo chí.
Nguồn: zing.vn