Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trong khu vực và trên thế giới hiện nay cũng như thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng, liên tục về xu hướng thị trường, công nghệ thông tin truyền thông trong lĩnh vực du lịch, việc xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch” là yêu cầu cần thiết, góp phần thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đề án được xây dựng trên quan điểm: 1) Tạo bước đổi mới đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm kết hợp đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường nguồn nhất định. 2) Phát huy kết quả, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; Tăng trưởng lượng khách, sự hiểu biết về điểm đến, mức độ nhận diện thương hiệu là tiêu chí cơ bản đánh giá hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch. 3) Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài ngành Du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá du lịch. 4) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời khai thác bản sắc văn hóa Việt Nam trong xúc tiến, quảng bá du lịch.
Theo đó, Đề án thực hiện mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá trong xúc tiến, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam nổi bật trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa về cả số lượng và chất lượng; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để đạt được những mục tiêu đó, Đề án đã đưa ra 5 nhóm giải pháp chính bao gồm: nghiên cứu, định hướng thị trường; truyền thông thương hiệu; phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và xúc tiến, quảng bá; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, còn có một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch truyền thống; tăng cường năng lực quản lý xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó, Đề án nhấn mạnh vào việc thành lập cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia nhằm đảm bảo địa vị pháp lý, công cụ đầy đủ tập hợp các nguồn lực cho định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch.
Hội thảo đã ghi nhận 15 ý kiến góp ý thực tiễn và cụ thể cho nội dung của Đề án từ đại diện các nhà quản lý du lịch các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hải Dương..., các nhà khoa học, chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp du lịch... Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh và phát triển marketing kỹ thuật số, xúc tiến, quảng bá qua các mạng xã hội... Chủ trì hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến để hoàn thiện Đề án, với mong muốn có thể tạo ra được điểm nhấn và đột phá cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
LT