Ban tổ chức cho biết vòng thi này sẽ có 120 đầu bếp thuộc 40 đội thi đến từ TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận và Cà Mau tham gia.
Trong đó, TP.HCM chiếm số lượng đội thi áp đảo với 26 đội và 78 đầu bếp chuyên nghiệp.
Chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho biết những năm gần đây đã có sự du nhập của nhiều loại gia vị từ nhiều vùng miền trong nước tới TP.HCM như mắc khén, mắc mật, thảo quả, hồi, tiêu rừng… và đã được các đầu bếp sáng tạo, phá cách.
Ông Chiêm Thành Long cho biết nhiều gia đình đã quen sử dụng gia vị tươi, chưa tính toán việc sơ chế hoặc tinh chế, làm tăng giá trị thương mại của nguyên liệu, gia vị, vì vậy những gia vị giá trị ấy vẫn chỉ khu trú ở địa phương.
Qua khám phá của cuộc thi Chiếc thìa vàng, cách sử dụng gia vị của các đầu bếp, ban tổ chức cuộc thi sẽ xác định nguồn gốc, công thức, cách chế biến, bảo quản... để gia vị đi xa hơn, phát huy hết giá trị kinh tế.
"Cùng với hành trình qua các địa phương khác, việc vẽ được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc tìm ra con đường giao thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế" - ông Long cho biết.
Theo các thành viên ban giám khảo, trong danh sách các món dự thi đã xuất hiện những món ăn với gia vị hết sức độc đáo như món lẩu bần phù sa đặc trưng miền Tây, được dẫn dắt bởi hương vị chủ đạo là nước cốt được chiết xuất từ trái bần, một loài cây dại mọc phổ biến trên các sông, rạch ĐBSCL.
Hay món khai vị gồm gỏi ngó sen tôm - gỏi cuốn vịt, atisô Đà Lạt dùng với xốt húng quế; cùng món chính là philê cá mú sao áp chảo vị cay, hương tắc, dùng với cơm cà ri - xốt trà hạt sen thể hiện sự sáng tạo và tinh tế trong việc kết hợp nguyên liệu và gia vị.
Một số đầu bếp tận dụng tối đa giá trị lá móc mật cho món chính là vịt nướng lá mắc mật - quả mắc mật nghiền - đùi vịt om sấu. Các đầu bếp Đông Nam bộ cũng không chịu kém cạnh trong việc sử dụng các loại lá gia vị, rau thơm dân dã nhưng bằng công thức chế biến mới để món ăn thêm mới lạ, như càng cua cuộn xôi, lá đinh lăng trộn dầu giấm, cá chình nướng lá bưởi, cá xốt chanh dây sầu riêng…
Các đầu bếp sẽ thi tài trong hai ngày 30-6 và 1-7 tại khu du lịch Văn Thánh.
Cuộc thi Chiếc thìa vàng mùa thứ 3 năm 2015 với chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt” đã kết thúc vòng thi đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 22 đội thi.
66 đầu bếp đất phương Nam đã mang tới những bữa tiệc với thực đơn phong phú, vừa đậm chất đồng quê của ẩm thực thời khẩn hoang vừa có những biến tấu, phá cách mới lạ trong việc dùng những nguyên liệu đồng quê, sử dụng các gia vị đặc trưng như: trái bần, lá chúc, sơn trà, nấm tràm, cỏ xước, sim…
Nguồn tuoitre