Quy Nhơn “biển nhớ”
Quy Nhơn - Bình Định được thiên nhiên ban tặng núi non trùng điệp, biển cả bao la xen lẫn dải đồng bằng trù phú ngun ngút màu xanh cây lúa tạo nên cảnh sắc hùng vĩ và thơ mộng, từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tài năng lớn của văn học Việt Nam như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên… Không ít du khách khi đến đây đã thuê xe máy rong ruổi lên Khu du lịch Ghềnh Ráng nằm ở phía Đông Nam thành phố, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nằm lại bên đồi ngắm biển và trăng. Nơi đây như một tác phẩm thiên tạo với quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng tạo thành ghềnh với khí hậu mát lành và phong cảnh hữu tình, được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ mát từ năm 1927. Bên bờ ghềnh là bãi tắm Hoàng Hậu độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn. Buổi sáng, du khách có thể lên đây vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê bên sườn đồi, vừa thưởng thức tài nghệ bút lửa Dũ Kha qua những áng thơ Hàn Mặc Tử, vừa thưởng ngoạn toàn cảnh phía Đông thành phố Quy Nhơn và xa hơn là bán đảo Phương Mai với đầm Thị Nại trông như một bức tranh thủy mặc...
.JPG)
Dạo quanh những đường phố Quy Nhơn, bất chợt hiện lên trong tâm trí tôi những tình khúc nổi danh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một "Biển nhớ” đã chạm vào trái tim của bao người yêu biển, yêu nhạc "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về...”. Trời đổ mưa. Trên phố, những bóng áo mưa nhiều màu sắc loang loáng trong màn nước. Sau cơn mưa to nhưng chóng vánh của miền biển, được lang thang ngắm phố phường ban đêm thanh bình, gió lành lạnh thoảng hương hoa sữa thơm ngát thật là cảm giác thi vị.
Bình Định được thiên nhiên ban tặng bờ biển dài 134km với những thắng cảnh và bãi tắm đẹp. Du khách nên dành một ngày để đến với đảo Hòn Khô - hòn đảo mang vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ, nơi rùa tìm về sinh sống và đẻ trứng. Đúng như tên gọi của nó, đảo Hòn Khô khô “không khốc”, chẳng có cây xanh và những rặng dừa nghiêng nghiêng quyến rũ, nhưng lại thu hút bởi những rạn san hô sặc sỡ, hàng trăm loài cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội cùng làn nước trong xanh. Sau khi lặn ngắm san hô, có thể thả mình trong làn nước biếc trên bãi biển Hải Giang, thưởng thức bữa trưa với các món hải sản tươi được chế biến theo cách của dân làng chài Nhơn Hải, đu đưa trên những chiếc võng dưới bóng cây tận hưởng làn gió biển mát lộng...

Biển đảo Bình Định còn rất nhiều điểm để khám phá như Cù lao Xanh, bãi biển Nhơn Lý - Cát Tiến, Eo gió - một cửa eo nhỏ mà đứng từ trên cao dễ dàng nhìn thấy hai dải núi đá cong hình vòng cung ôm lấy một góc biển khơi quanh năm lộng gió, hoặc trải nghiệm trượt cát ở đồi cát Nhơn Lý với độ sâu gần 100m...
Những tầng tháp cổ...
Bình Định còn có những tháp Chàm cổ kính đứng u huyền lặng lẽ nghìn năm như trong câu hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Ngay trong lòng thành phố Quy Nhơn tọa lạc cụm tháp Đôi với hai ngọn tháp cổ có lối kiến trúc Angkor, được xây dựng từ thế kỷ 12. Tiếp đó là tháp Bánh Ít (tháp Bạc) ngự trên một đỉnh đồi cao thuộc huyện Tuy Phước, ngắm nhìn xuống hai nhánh con sông Kôn thơ mộng. Đây là một trong cụm 4 tháp Chăm đẹp nhất Bình Định được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của một nhóm tác giảngười Anh (do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm chủ biên, Quintessense xuất bản). Tháp Dương Long (tháp Ngà) là tháp gạch đẹp nhất Đông Dương...
Du khách hãy dành một ngày để khám phá Tây Sơn Tam Kiệt, thăm bảo tàng Quang Trung, chiêm ngưỡng 9 pho tượng quần thần Tây Sơn dát vàng, giếng nước xưa, cây me cổ thụ hơn 300 năm tuổi - là những kỷ vật còn lưu giữ trong vườn nhà của ba anh em Tây Sơn.
Thành cổ Đồ Bàn - kinh đô của vương quốc Chămpa, được xây dựng từ năm 1000 (thế kỷ 10), có hình vuông, mỗi bề dài một dặm, là đại bản doanh của quân đội Tây Sơn cho đến năm 1786. Nằm trên đồi Long Bích, trong khuôn viên kinh đô Đồ Bàn, chùa Thập Tháp là một ngôi chùa đẹp tinh tế và cổ nhất tại Bình Định và các tỉnh miền Trung. Trên đồi có mười ngôi tháp Chăm, khi những ngôi tháp này đổ, Thiền sư Nguyên Thiều lấy gạch từ 10 ngôi tháp này xây chùa nên lấy tên chùa Thập Tháp...
Những ai đam mê võ thuật sẽ bị cuốn hút bởi miền đất Bình Định, nơi truyền thống thượng võ đã thấm sâu trong máu thịt người dân và trở thành bản sắc rất riêng.
Xứ hoa vàng cỏ xanh
Rời đất võ Bình Định, chúng tôi thẳng tiến tới xứ “hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên. Con đường Quy Hòa - Sông Cầu được mệnh danh đường ven biển đẹp nhất, một bên là cảnh đẹp của bờ biển Quy Nhơn, một bên là những dãy núi đá như những cánh tay lực lưỡng ôm lấy biển. Những hàng tràm hoa vàng, những hàng dừa nối nhau, thỉnh thoảng đây đó có đôi bò đang gặm cỏ, bóng những người nông dân vác cuốc, những người thợ,những em học sinh đạp xe về nhà sau giờ tan học..., thấp thoáng những ngọn phi lao thấp lô nhô trên những cồn cát trắng mịn...
Ghềnh Đá Đĩa là thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng di tích lịch sử, thắng cảnh cấp quốc gia năm 1998. Ngồi bên bờ ghềnh với những đĩa đá độc đáo, lặng ngắm biển xanh bao la, thỉnh thoảng những con sóng tung bọt trắng xóa đập vào ghềnh đá... cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên đất nước đẹp đến dường nào!

Đường đi Tuy Hòa đi qua đầm Ô Loan - đầm nước lợ lớn nhất Đông Dương nằm dưới chân đèo Quán Cau, du khách có thể thuê tàu tham quan ngắm cảnh đầm mênh mông. Trong đêm tối, có thể nhìn thấy những ánh đèn nuôi sò huyết lấp ló khắp mặt đầm. Đến đây, không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức món sò huyết của đầm Ô Loan tại các quán hải sản dân dã ngay quanh đầm.
Đứng ở tháp Nhạn - biểu tượng của Phú Yên, có thể ngắm toàn cảnh thành phố Tuy Hòa thơ mộng từ trên đồi cao. Rời tháp Nhạn, qua cầu Hùng Vương, qua sân bay Đông Tác đi khoảng 30km là bãi Môn, nơi đã trở nên nổi tiếng bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thời gian qua. Chúng tôi leo bộ lên hải đăng mũi Đại Lãnh (trước gọi là mũi Điện) vào lúc gần trưa, rẽ vào đường nhánh đi mũi Rạng Đông và chạm tay vào cột mốc mũi Đại Lãnh - điểm Cực Đông nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Từ trên hải đăng cao tít, ngắm mặt đại dương xanh bao la, gió lồng lộng thổi..., nhìn sang là bãi Môn quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng rực rỡ. Nơi đó, một đoàn du khách Nga đang thư giãn trong làn nước xanh biếc trên bãi biển cát trắng mịn.
Có lẽ, ai đến xứ Nẫu rồi cũng sẽ nhớ về ẩm thực nơi đây. Ở Tuy Hòa, bạn không thể bỏ qua đặc sản cá ngừ đại dương... Ở Quy Nhơn, bạn khó thờ ơ với bánh hỏi lòng heo, bún chả cá, nem nướng, tré, bún Song Thằn... hay cả đến ổ bánh mì cũng mang hương vị đặc trưng...
Miền đất Bình Định - Phú Yên cùng được gọi là “xứ Nẫu” - từ phương ngữ đặc trưng như tiếng nói nằng nặng, thô ráp nhưng chân thật không lẫn vào đâu được của người dân nơi đây. Nẫu bắt nguồn từ “Nậu” là tên gọi của một đơn vị hành chính nhỏ từ thời chúa Nguyễn (dưới Huyện có Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như phường, nậu, man). Sách Đại Nam Thực Lục (tiền biên) ghi rõ: "Nậu, nguyên nghĩa là làm cỏ ruộng, rồi chỉ làng xóm và sau nữa thành tên một đơn vị hành chính, quản lý một nhóm người có cùng một nghề". Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu nậu (ví dụ: "Nậu nguồn" chỉ nhóm người khai thác rừng, "Nậu nại" chỉ nhóm người làm muối, "Nậu rổi" chỉ nhóm người bán cá, "Nậu rớ" chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ...). Đặc trưng ngữ âm của vùng Bình Định - Phú Yên không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Từ chữ "Nậu" ban đầu, phương ngữ Phú Yên - Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba bằng cách thay từ gốc thanh hỏi (ví dụ: ông ấy, bà ấy được thay bằng "ổng", "bả"; anh ấy, chị ấy được thay bằng "ảnh", "chỉ"), và thế là "Nậu" được thay bằng "Nẫu'' theo kiểu phát âm phương ngữ trở thành từ cửa miệng, đi vào thơ ca, báo chí và tự gọi thân quen của người dân miền đất này. Từ sân bay Phù Cát mất 45 phút đi bus về thành phố Quy Nhơn (50.000VNĐ/vé), điểm dừng là Trung tâm giao dịch hàng không số 1 đường Nguyễn Tất Thành. |
Hoa Trang
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)