(Tạp chí Du lịch) - Khoa học biển hay đại dương đãmang lại nhiều tri thức cho nhân loại và tạo động lực lớn cho phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đã mang lại nhiều vấn đề như: ô nhiễm nước biển, suy thoái đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, a xít hóa đại dương. Chính vì vậy, trong thế ký 21, các nội dung quản lý, phát triển bền vững đại dương, biển đã được đưa vào chương trình của các quốc gia có biển và các tổ chức quốc tế, khu vực liên quan đến biển, đại dương.
“Thập kỷ khoa học biển” là một trong những nội dung của Liên Hợp quốc đưa ra nhằm cảnh báo các tác động và cũng nhằm tạo động lực về phát triển và quản lý đại dương bền vững. Dưới hàng loạt các tác động như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đánh bắt khai thác quá mức các loại thủy hải sản…, các nhà khoa học hy vọng rằng “Thập kỷ khoa học biển” trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc sẽ đem lại sự chú ý lớn đến mọi quốc gia và con người trên toàn thế giới, từ đó tạo nên các động lực, các khuyến khích; đẩy mạnh những tiến bộ trong việc nghiên cứu, giám sát, lập bản đồ đại dương… mang lại sự bền vững cho tương lại.
Mục tiêu của “Thập kỷ khoa học biển”
Mục tiêu chính của “Thập kỷ khoa học biển” là hỗ trợ nhằm đảo ngược chu kỳ suy giảm sức khỏe sinh thái của đại dương và tạo điều kiện cải thiện, phát triển bền vững đại dương, biển và bờ biển.
Các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu và phát triển là tạo ra một tập bản đồ kỹ thuật số toàn diện về biển, đại dương, thực hiện một hệ thống quan sát đại dương một cách toàn diện, phát triển nâng cao sự hiểu biết về hệ sinh thái đại dương và chức năng dịch vụ hệ sinh thái của chúng; đồng thời, cải thiện hệ thống cảnh báo các nguy hiểm đến biển, đại dương và các chương trình đào tạo, giáo dục, nâng cao sự hiểu biết về biển, đại dương.
Tầm nhìn về tương lai
Thập kỷ khoa học biển, đại dương là rất quan trọng đối với mọi con người trên trái đất, đặc biệt là với giới trẻ trên toàn thế giới. Những kết quả nghiên cứu giai đoạn này sẽ là nền tảng cho những người trẻ tuổi sau này tiếp tục các nghiên cứu và có thể họ sẽ là những người ra quyết định tiếp theo đối với vấn đề này.
Với việc đưa ra “Thập kỷ khoa học biển”, Liên Hợp quốc hy vọng sẽ khiến mọi người hiểu được tình hình môi trường biển hiện nay, các vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe sinh thái biển, đại dương, từ đó mọi người có thể thay đổi thái độ, cùng tham gia, chung tay góp sức và có các hành động thiết thực bảo vệ, phát triển đại dương bền vững.
Dư Văn Toán