Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu chia sẻ: Du lịch hè năm nay phục hồi rất tốt, vượt xa sự mong đợi. Lượng khách du lịch nội địa đã vượt mức trước dịch, đạt hơn 71 triệu khách trong 7 tháng. Du lịch nội địa với số lượng khách cao như vậy, nhưng rất an toàn, đồng điệu giữa các địa phương, doanh nghiệp; du khách cũng rất thông cảm với các cơ sở, các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là vào dịp cuối tuần, ngày lễ nên hoạt động du lịch vẫn diễn ra thông suốt, không gợn lên những vấn đề, sự cố như giai đoạn trước đây. Một vấn đề khó khăn là lực lượng lao động ngành Du lịch tuy phục hồi nhanh nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phục hồi du khách sau đại dịch.
Nắm bắt được những khó khăn trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tổ chức hàng loạt các hoạt động, sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm tìm kiếm các giải pháp phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam. Có thể kể đến Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022 với chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam; Hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam”; Liên kết Sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Trên các diễn đàn, đặc biệt là ngày 9/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và TCDL đã tổ chức một diễn đàn về nhân lực du lịch để tìm ra những giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cùng nhau liên kết giải bài toán thiếu nhân lực cục bộ tại những thời điểm cao điểm, tại những khu trung tâm lượng khách tăng nhanh. Những giải pháp này đã và đang được áp dụng và TCDL nhận thấy sức linh hoạt, chủ động thích ứng của doanh nghiệp rất cao. Một nội dung giải pháp mà diễn đàn đưa ra là “Chủ động thích ứng linh hoạt gắn với ứng dụng công nghệ”, là giải pháp then chốt để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Về vấn đề quá tải, đây là một tín hiệu cần làm rõ để các ngành liên quan cùng vào cuộc, từ quản lý, giao thông công cộng, đô thị, các vấn đề về an ninh, an toàn... để khuyến cáo, tiên lượng trước những vấn đề có thể xảy ra và chủ động ứng phó.
Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, vừa thực hiện trên nền tảng số, vừa đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương giữa các đối tác trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tham gia các sự kiện mang tính toàn cầu; mời gọi các tổ chức quốc tế có sự kiện toàn cầu tổ chức tại Việt Nam; đặc biệt là những sự kiện có sức lan tỏa lớn, thông qua những nhân vật ảnh hưởng hay mạng xã hội. Đây là một giải pháp hữu hiệu.
Trong thời gian tới, TCDL phối hợp với Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới tổ chức một chuỗi các sự kiện trao giải toàn cầu về du lịch tại Việt Nam. Tháng 9/2022 sẽ tổ chức trao Giải thưởng Du lịch thế giới khu vực châu Á, châu Đại dương tại TP. Hồ Chí Minh bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh ITE-HCMC. Ngoài ra sẽ tổ chức Tuần Du lịch toàn cầu, trao các danh hiệu giải thưởng về MICE, Golf, Du thuyền, Ẩm thực, Nhân vật ảnh hưởng, Ngôi sao mạng xã hội... tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Quốc, Hạ Long, Hội An từ nay đến tháng 12/2022; tổ chức liên tục các hoạt động với thông điệp “Đưa thế giới đến Việt Nam”. Thông qua đó để truyền tải thông điệp thu hút khách quốc tế cũng như tạo kênh quảng bá để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, TCDL cũng kêu gọi các doanh nghiệp chủ động thích ứng, các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường, kết nối với đối tác quốc tế.
Song song với đó, các đường bay kết nối tới các nước đã được khôi phục hoàn toàn; thông qua kết nối các đường bay mới, đặc biệt là đến thị trường Ấn Độ, sẽ có nhiều tín hiệu tích cực từ nay đến cuối năm. Các đường bay Việt Nam - Ấn Độ ngày càng tăng về tần suất, kéo theo sẽ gia tăng lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam. TCDL kêu gọi các doanh nghiệp thích ứng ở các sản phẩm dịch vụ, để đáp ứng các thị trường mới này. Các doanh nghiệp phải xây dựng sản phẩm hướng tới những thị trường như Ấn Độ, Trung Đông...; phải có các chương trình du lịch, điểm đến mới. Sau COVID-19, cần phải đổi mới hoàn toàn; phải có rất nhiều yếu tố mới khi làm sản phẩm; có thể khách sẽ đi đến những vùng đất mà từ trước đến nay chưa được khai thác, chưa có chương trình đến đó.
Phước Hà