Xác định du lịch là ngành trọng điểm là lựa chọn đúng
Du lịch được xác định là một trong ba ngành trọng điểm phát triển của Việt Nam cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin là một quyết sách rất đúng đắn. Chúng ta đã trải qua gần 30 năm tiến hành công nghiệp hóa nhưng kết quả thực sự không được như kỳ vọng. Các ngành công nghiệp đã cho thấy rất khó cạnh tranh. Việt Nam đi sau và với xuất phát điểm kinh tế thấp nên muốn đi vào công nghiệp hóa thì thực sự khó khăn. Chúng ta cũng đã có một thời gian phát triển một số ngành công nghiệp nặng, nhưng ngành này đầu tư vô cùng tốn kém mà kết quả cho thấy không thể cạnh tranh so với nhiều nước, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp, năng suất lao động vẫn thấp.
Tôi còn nhớ cách đây vài năm khi bàn về việc chọn hướng phát triển cho Việt Nam, các chuyên gia và một số lãnh đạo đã đưa ra ý tưởng chọn ngành Du lịch là ngành dịch vụ để phát triển chứ không phải là công nghiệp. Lúc đó, khá nhiều câu hỏi đặt ra tại sao lại chọn dịch vụ? thực tế cho thấy ở các nước phát triển dịch vụ đều chiếm tỷ lệ cao nhất trong nền kinh tế quốc dân của họ chứ không phải công nghiệp. Việt Nam đi sau nên công nghiệp khó có khả năng phát triển mà thực tế đã chứng tỏ là phát triển công nghiệp quá tốn kém trong khi lợi ích mang lại không cao. Dịch vụ có những ưu thế vượt trội hơn hẳn như lượng đầu tư không đòi hỏi quá lớn, đầu tư chủ yếu là hạ tầng mà hạ tầng thì phục vụ cho cả nền kinh tế. Khả năng tạo công ăn việc làm và huy động các lực lượng xã hội khác nhau tham gia vào du lịch là rất lớn, cơ hội kinh doanh được mở rộng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình, ngoài ra du lịch còn có ưu thế là có thể phát triển cả những vùng không có điều kiện tự nhiên thuận lợi, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn… điều kiện khó khăn vẫn có thể làm du lịch được. Ở khía cạnh khác, việc phát triển văn hóa, những giá trị mềm của Việt Nam có cơ hội nâng cao. Bên cạnh đó, tác động môi trường từ du lịch (cũng có thể gây ảnh hưởng xấu) không giống như công nghiệp…
Với tất cả những ưu điểm đó, mấy năm vừa qua chúng ta tập trung vào chiến lược phát triển du lịch, ban đầu cũng còn chập chững, nhưng càng ngày những ý tưởng chiến lược càng hình thành rõ rệt hơn và khả năng phát triển du lịch được chứng minh rất nhanh bởi sự bứt phá nhanh chóng.
Khía cạnh thứ hai là du lịch cho thấy khả năng vươn rộng ra các nơi. Bây giờ tỉnh, thành nào cũng đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Cho thấy du lịch được đặt nhiều kỳ vọng. Có một thực tế tích cực là khả năng mở rộng địa bàn của du lịch rất tốt. Một mặt giúp ngành Du lịch phát triển nhanh hơn, mặt khác giúp giảm bớt khoảng cách vùng miền, nhất là cảm giác bị tụt hậu đối với vùng sâu, vùng xa. Điều này quý giá vô cùng, tôi đã chứng kiến nhiều nơi người dân thật thà chất phác, họ rất quý du khách và học được từ du khách những cách làm áp dụng vào cuộc sống, rồi ứng dụng công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, internet… để tiếp cận nguồn tin từ các nơi, rồi mở rộng khả năng giao tiếp, chào mời sản phẩm tới du khách.
Thứ ba là du lịch góp phần quan trọng vào phương châm tăng trưởng bao trùm. Bao trùm sẽ không có được nếu như người dân ở các nơi khó khăn không có điều kiện tiếp cận với những công việc có thể mang lại thu nhập, mang lại niềm vui, niềm tin vào cuộc sống và tương lai…
“Bàn đạp” để du lịch bứt phá…
Thành công của Du lịch Việt Nam không phải chỉ ở số lượng khách, số tiền thu được, mà còn lan tỏa ở nhiều khía cạnh, nhiều giá trị khó cân đo, đong đếm…, ví dụ như ẩm thực Việt Nam được nhiều người biết đến do sự quảng bá của du khách, đã tạo thêm những giá trị của ẩm thực Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới; hay như tăng khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng truyền thống... Đây là những tác động rất tích cực mà không phải ngành nào cũng tạo ra được.
Du lịch Việt Nam đã tạo một vị thế mới. Nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam được nhiều báo chí uy tín quốc tế vinh danh, nhiều điểm đến được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến truyền thống như Hội An, Huế… vẫn tiếp tục được bình chọn cao đã chứng tỏ tính bền vững của du lịch, vẫn có thể duy trì, tiếp tục khai thác và thu hút khách quay trở lại.
3 hạn chế chủ yếu khiến du lịch “loay hoay”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch cũng tồn tại nhiều vấn cần chấn chỉnh, khắc phục, từ chính sách đến định hướng thị trường, thu hút khách từ đâu, tránh tác động xấu đến môi trường ra sao…
Những cản trở khiến Du lịch Việt Nam vẫn có khoảng cách khá xa so với nhiều nước là ở 3 vấn đề sau:
Điều đầu tiên phải nói một cách thẳng thắn là chính sách visa cho du khách nước ngoài đến Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việt Nam là một trong số những nước “ít cởi mở” về visa, quy trình cấp visa phức tạp, tạo ra cảm giác không thực sự thoải mái cho du khách, tạo ấn tượng khó chịu từ ban đầu. Nếu chính sách này thông thoáng hơn chắc chắn sẽ hút một lượng khách quốc tế rất lớn. Thực tế cho thấy cách làm của chúng ta vô cùng bất cập, thắt chặt visa rồi tất tả ngược xuôi đi tìm khách. Chúng ta vẫn nói Việt Nam sẵn sàng chào đón du khách trên khắp thế giới, nhưng với chính sách visa như trên thì rất khó thu hút khách. Thứ hai là về hạ tầng, rất nhiều vấn đề đáng ngại như sân bay quá tải, kẹt đường, trễ chuyến bay … gây tâm lý e ngại với du khách. Trong khi đó, hệ thống đường bộ và những tuyến đường kết nối khác chưa thuận lợi, các tuyến đường sắt không có sự đầu tư nâng cao chất lượng để khai thác du lịch, hệ thống metro chưa có, hệ thống cảng chuyên dụng đón khách tàu biển còn quá thiếu… là vấn đề lớn. Mặt khác, tiếp cận thị trường theo hướng khách tăng thì giá dịch vụ phải giảm, nhưng ở ta thì khách tăng giá dịch vụ tăng theo. Thứ ba là sản phẩm du lịch cần nhiều dịch vụ bổ trợ để khách giải trí, thưởng ngoạn. Do thiếu các loại hình này nên mức độ chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực. Nếu giải quyết được những vấn đề này, sự lan tỏa của Du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới sẽ ngày càng mạnh mẽ…
Việt Hùng (ghi)