(Tạp chí Du lịch) - Đó là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương với cộng đồng doanh nghiệp tại Chương trình Cafe Doanh nhân – Số 1/2022 của TP. Hà Nội diễn ra sáng 10/3 tại Trung tâm Hội nghị Long Biên Palace. Chương trình có sự tham gia của đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội...

Phát biểu khai mạc Chương trình Cafe Doanh nhân – Số 1/2022, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương chia sẻ, những năm qua TP. Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực doanh nghiệp và đối tượng doanh nhân. HPA cũng tư vấn cho lãnh đạo Thành phố nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19. Những hỗ trợ của TP. Hà Nội dù chưa thực sự như mong đợi của doanh nghiệp, tuy nhiên TP. Hà Nội vẫn rất trăn trở, tìm thêm nhiều phương án, cách thức để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có mô hình Cafe Doanh nhân. “Số tiếp theo của Chương trình Cafe Doanh nhân, HPA sẽ có kết quả thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp đã có kiến nghị, đề xuất tại Chương trình Cafe Doanh nhân – Số 1/2022”, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương nhấn mạnh.
Tại buổi gặp mặt, một số ý kiến được đề xuất việc hỗ trợ xác minh đã tham gia đóng thuế của các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu để tránh bị đánh thuế 2 lần; hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết khó khăn khi phải nộp thuế tạm tính trên hóa đơn trong khi doanh thu thực tế trở thành nợ khó đòi của doanh nghiệp. Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi cơ cấu lại tiền lương cho người lao động để giảm đóng BHXH và cơ quan BHXH có giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp để được nhận hỗ trợ từ BHXH được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất. Vấn đề này, Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Vũ Đức Thuật hướng dẫn việc cơ cấu lại lương không được thấp hơn lương tối thiểu vùng theo Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 và Công văn số 264/QHLĐTL-TL ngày 15/7/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Về lĩnh vực du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh chia sẻ, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo TP. Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VHTTDL về việc hỗ trợ cho các đối tượng hướng dẫn viên (HDV) số tiền 3.110.000 đồng/HDV cho hơn 4.000 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm, ngày 26/3 tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức chương trình du lịch chào năm 2022 để hưởng ứng chủ trương mở cửa đón khách quốc tế của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ khách và quan tâm đến đào tạo nhân lực để phục vụ khách tốt hơn khi khách quay trở lại. Sở Du lịch cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực và thông báo cụ thể đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp đối với việc quảng bá sản phẩm, từ đó có kế hoạch giới thiệu sản phẩm đến các hội nghị xúc tiến, các hội chợ để góp phần quảng bá cho doanh nghiệp.
Ngay sau Chương trình Cafe Doanh nhân, HPA đã có buổi Gặp gỡ đại diện thương mại, kinh tế quốc tế tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Singapore, Ấn Độ, Chile, Anh, Venezuela, Iran, Thái Lan, Đan Mạch... Các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tích cực để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Đáng chú ý, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Eurocham tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh nhận định liên minh châu Âu hiện là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam và sắp tới sẽ tiếp tục tăng trưởng; các doanh nghiệp châu Âu sẽ liên kết với doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn trong chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu. Để tăng trưởng đầu tư thương mại, du lịch của các doanh nghiệp châu Âu vào Hà Nội, đặc biệt là du lịch chất lượng cao, Hà Nội cần có những điều chỉnh ngay từ bây giờ: quy hoạch du lịch, chia sẻ xu hướng khách hàng du lịch từ châu Âu, kinh nghiệm quản lý điều hành để thu hút nhóm khách du lịch từ châu Âu. Hà Nội cũng cần chuẩn bị nhiều hơn về đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ, về văn hóa, nhà hàng, khách sạn...; tạo điều kiện nhất định về hoạt động xã hội để nhà đầu tư nước ngoài có thể đến bình thường.

Việc ngày 15/3 tới đây, Chính phủ chủ trương mở cửa đón khách quốc tế là một lợi thế bởi du lịch đóng góp rất lớn vào GDP của Việt Nam và giúp giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Bên cạnh đó cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam với khu vực. Hơn thế, với các khách hàng lớn của châu Âu hay những thị trường lớn khác, sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, nhu cầu đi du lịch là rất cao; đi kèm với đó là các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
|
Phước Hà