TP. Hà Nội triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống ma túy đến năm 2020
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân về tác hại của tệ nạn ma túy; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong công tác phòng, chống ma túy; triệt phá cơ bản điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần kiềm chế, tiến tới giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn phường, xã, thị trấn; nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy và cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy.
Theo kế hoạch, 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp, hiệu quả; hạn chế phát sinh người nghiện mới, mỗi năm hơn 1% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi diện người nghiện ma túy và giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy so với năm trước.
Phấn đấu đến năm 2020: có 20% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy giảm mức độ phức tạp so với năm 2015 và 100% quận, huyện, thị xã xây dựng được ít nhất một mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn; 100% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; 90% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy dưới nhiều hình thức.
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, số vụ phạm tội sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy từ mức độ nghiêm trọng trở lên được phát hiện, xử lý tăng 5% so với năm liền kề trước; không quá một năm từ khi xảy ra, 100% hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn thành phố được phát hiện, xử lý triệt để; không để tiềm ẩn sản xuất, ổ nhóm, đối tượng đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn mà không được phát hiện; triệt xóa 5 - 10% số điểm, tụ điểm mỗi năm, không để phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố; triệt phá 100% diện tích cây có chứa chất ma túy trồng trái phép được phát hiện, không để xuất hiện tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND TP. Hà Nội đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:
1. Tổ chức quán triệt sâu rộng Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống ma túy. Xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống ma túy, quản lý người nghiện và người sử dụng ma túy.
3. Triển khai đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng, chống ma túy, trong đó chú trọng đổi mới các hình thức, thời lượng và nội dung phong phú, phù hợp, chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới; hỗ trợ hoạt động và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy có hiệu quả ở cơ sở.
4. Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc, dự báo tình hình, chú trọng phát hiện, đấu tranh ngăn chặn đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma túy trên các tuyến qua địa bàn thành phố. Triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp, không để hình thành các điểm nóng gây bức xúc dư luận. Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm về ma túy bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tập trung chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.
5. Tổ chức quản lý, theo dõi chặt chẽ số người nghiện và người sử dụng ma túy; thực hiện hiệu quả việc rà soát, thống kê, phân loại người nghiện và người sử dụng ma túy, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến người nghiện và người sử dụng ma túy có trong danh sách quản lý, theo dõi của quận, huyện, thị xã. Tiếp tục đổi mới, nhân rộng các hình thức, biện pháp dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện và giảm tác hại cho người nghiện, người sử dụng ma túy. Hỗ trợ, thực hiện hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện.
6. Hoàn thiện tổ chức, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống ma túy. Đầu tư kinh phí, phương tiện, áp dụng các thành tựu khoa học, y học và công nghệ vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy.
7. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, thực hiện tốt các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy.
TH