Trinh nguyên vẻ đẹp
Chiếc máy bay hạ tôi từ thiên đường mây xuống thiên đường mặt đất vào một buổi chiều. Kìa, Bali đang ở dưới tầm mắt của tôi, duỗi mình như một nàng tiên, đầu gối lên núi lửa, chân chạm biển xanh, ngực căng hương lúa thơm, eo thon rừng nguyên sinh trù phú. Ùa vào tôi là biển biếc với bờ cát trải dài, những thửa ruộng bậc thang vàng ươm đang vào mùa gặt, những vành đai rừng xanh tươi, và những ngọn núi lửa sừng sững tạc lên trời sự huy hoàng bí ẩn.
Được mệnh danh là “hòn đảo của một ngàn đền thờ”, Bali khiến tôi ngơ ngẩn với nét cổ kính, trang nghiêm của những đền thờ Hindu trải khắp hòn đảo này. Đền thờ Besakih (Đền thờ Mẹ) hơn 1,000 năm tuổi làm tôi lạc lối bởi sự kỳ vĩ của nó. Nằm ở độ cao 1.000 m trên sườn ngọn núi lửa Gunung Agung, đây cũng chính là đền thờ linh thiêng nhất của Bali và đền thờ Hindu lớn nhất ở Indonesia. Putu, anh bạn người Indonesia của tôi giải thích rằng, vào năm 1963, ngọn Gunung Agung đã nổ bùng, nham thạch chảy tràn xuống các bản làng lân cận, lấy đi mạng sống của 1.700 người, nhưng không hề chạm đến đền thờ Besakih.
Đến thăm các đền thờ nổi tiếng của Bali, mới hiểu được sự diệu kỳ của đức tin. Nếu Besakih chênh vênh trên núi, thì đền thờ Tanah Lot tại... chênh vênh giữa biển. Đứng ở đất liền, ngắm Tanah Lot chấp chới trong ánh hoàng hôn trên một tảng đá lớn giữa biển thật là một ấn tượng không thể nào quên. Đền thờ Pura Luhur cũng ấn tượng không kém: vắt vẻo trên sườn núi, phóng tầm mắt xuống những con sóng dài miên mai của biển Uluwatu. Đền thờ Pura Tirta Empul ra đời từ năm 926, với nguồn nước suối được cho rằng có khả năng chữa bệnh. Đền thờ Pura Bratan nằm gần hồ Bratan, gối đầu lên những ngọn núi bạt ngàn. Còn đền thờ Goa Lawah là hang động của loài dơi, với hàng ngàn cánh dơi chấp chới vụt vào bóng tối nhá nhem của sự bí ẩn.
Sắc màu truyền thống
Đến Bali, sẽ mất... một nửa cuộc đời nếu không được đắm mình vào những điệu múa ngàn đời của người dân nơi đây. Đối với người Bali, mỗi điệu múa không chỉ kể những truyền thuyết về cuộc sống và đức tin của họ, mà còn là những cuộc giao tiếp với thần linh. Múa đã trở thành cuộc sống của người dân nơi đây, một tập quán đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người. Bất cứ nơi đâu ở Bali, bạn cũng có thể xem những điệu múa này, và các khách sạn, nhà hàng đều thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn. Nhưng đối với tôi, những điệu múa Bali đẹp và nguyên thuỷ nhất chỉ có thể được chiêm ngưỡng ở các bản làng quanh vùng Ubud, nơi người Bali không múa cho khách du lịch mà cho chính họ và bằng niềm tin tín ngưỡng thanh khiết nhất của họ. Tôi không thể nào quên buổi tối ấy ở Bali, khi Putu, người bạn của tôi đưa tôi xuyên qua rừng thẳm trong bóng tối mịt mùng. Sự sợ hãi bóp nghẹt trái tim tôi. Trời không trăng, không sao, ánh sáng duy nhất quanh tôi là đèn pha của chiếc ô tô đang lăn lê bò toài chở chúng tôi qua gập ghềnh đồi núi. Rồi chợt ùa vào tôi là giọng người trầm bổng, những nhịp chân dũng mãnh. Phút chốc tôi được ngồi bên một đống lửa lớn và tròn mắt chứng kiến điệu múa lửa đầy kinh ngạc của các chàng trai. Họ vừa múa vừa hát, và với đôi chân trần bước đi trên lửa. Đôi chân của họ xám đen vì khói, nhưng tuyệt nhiên không bị bỏng, và gương mặt họ rạng rỡ niềm hân hoan.
Trong những ngày nán lại ở thị trấn cổ Ubud, tôi thơ thẩn như lạc về quá khứ. Người Bali thật khéo léo khi biết tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên để phát triển du lịch. Ngay tại trung tâm phố cổ Ubud, khách hàng có thể ung dung ngồi nhấm nháp cafe hay ăn trưa ngay cạnh... đồng lúa xanh rì rào. Có thật nhiều các vườn cây ăn trái để khách du lịch ghé vào nếm thử và mua các sản phẩm tươi rói vừa được hái trên cành. Những cửa hàng xinh xắn đầy ắp các sản phẩm mỹ nghệ thực sự là những không gian văn hóa đầy màu sắc. Cạnh đó là các quán ăn thơm nức mùi hải sản nướng, mùi cà ri béo ngậy, khiến tôi không khỏi xôn xao. Bước vài bước khỏi trung tâm Ubud, tôi đã lạc vào sự xanh thẳm của những thửa ruộng bậc thang ngan ngát mùi lúa đang đơm đòng. Cạnh đó là những vạt rừng với những cây cổ thụ vút lên trời xanh.
Điều khiến tôi say đắm Bali chính là những tập tục ngàn đời của nơi đây, và cách mà người Bali không để làn sóng du lịch thay đổi cuộc sống của mình. Họ vẫn sống, vẫn tin và vẫn yêu, một cách vô điều kiện. Và nhờ đặt chân đến Bali, tôi thấy mình đã được tẩy rửa khỏi sự phiền muộn, lo toan, để chìm đắm vào sắc màu của văn hóa và vẻ đẹp nguyên sơ mà thiên nhiên ban tặng.
Niềm vui khám phá
Bali còn là thiên đường đối với những ai ưa thích mạo hiểm. Ngoài các bãi biển đông nườm nượp khách du lịch như Kuta, Legian, Nusa Dua và Seminyak, còn có những bãi biển hẻo lánh xinh đẹp như Balangan, Geger, Bias Tugal, Ungasan, và Amed cho khách du lịch thoả thích tắm biển, lướt sóng, lặn xem san hô… Nhớ những ngày ở Bali, tôi đã thoả thích vẫy vùng trong biển xanh khi mặt trời lên, rồi khi mặt trời xuống, tôi để chân trần lang thang trên biển vắng cùng người đàn ông của đời mình. Tôi đã tựa đầu vào vai anh, và nghe anh thầm thì những lời yêu thương nhất cùng những tiếng sóng đẫm trăng.
Bên cạnh biển, các bản làng của Bali khiến tôi mê mẩn. Ước gì có thật nhiều thời gian để “lê la” khám phá hết các bản làng. Nào là làng Batubulan chuyên về các sản phẩm chạm khắc đá nghệ thuật, làng Celuk của trang sức vàng và bạc, làng Mas của các sản phẩm gỗ và làng Pengosekan của các hoạ sĩ với những bức tranh đầy mê hoặc. Ở những ngôi làng này, khách du lịch có thể đến chơi, tham quan, mua sắm, xem các điệu múa truyền thống, nếm thử ẩm thực bản địa, và kết hợp với việc thám hiểm núi rừng.
Đối với tôi, việc khám phá ẩm thực Bali là một trải nghiệm quý giá. Cũng như nhiều nơi ở châu Á, ăn ở ven đường bao giờ cũng thú vị hơn khi ăn ở các nhà hàng sang trọng. Các quán ăn nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ đã là nơi dâng lên các món ăn tươi rói, nóng hổi, cay xé lưỡi và ngậy đến mê mẩn.
Có lẽ, một trong những nét đáng quý nhất của Bali là sự thân thiện và hiếu khách của người dân của hòn đảo này. Ở đây hơn một tuần, tôi đã không gặp phải sự chèo kéo, nài nỉ nào. Bước vào một cửa hàng nhỏ, tôi đã trả giá thoải mái, và cũng có thể bước ra thoải mái, không mua một thứ gì mà vẫn được đưa tiễn với một nụ cười. Nụ cười ấy đã níu trái tim tôi ở lại với Bali. Tôi biết rằng mình sẽ quay trở lại nơi này. Quay trở lại, để được Ăn, Cầu nguyện và Yêu.
Những điều cần biết về Bali
- Bali có dân số hơn 4 triệu người, phần lớn theo đạo Hindu. Người Bali rất sùng tín, vì vậy khách du lịch cần chú ý và tuân thủ các quy định về việc ăn mặc kín đáo khi vào đền thờ ở Bali. Khách du lịch phải quấn sarong mới được vào đền. Bạn có thể mua một chiếc sarong để làm kỷ niệm khi mới đến Bali và mang theo để tránh việc phải thuê sarong với giá khá cao.
- Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Bali. Cách tốt nhất là đặt Malaysia Airlines, Singapore Airlines, Air Asia hoặc Tiger Airways sang Malaysia hay Singapore rồi nối chuyến tới Bali.
- Quà lưu niệm ở Bali rất phong phú. Bạn có thể thoải mái trả giá để đem về các món quà lưu niệm đặc biệt như mặt nạ, sarong, tượng gỗ hoặc đá, tranh vẽ, túi và ví da.
- Ubud có rất nhiều các khách sạn dành cho khách du lịch bụi với giá khoảng vài trăm ngàn đồng cho một phòng trọ bình dân, sạch sẽ. Các resort cạnh biển có mức giá cao hơn, từ hơn 1 triệu đồng/đêm. Hãy tham khảo và đặt chỗ trước trên www.tripadvisor.com, www.bali.com, hoặc www.agoda.com để tránh việc không có chỗ ở vào mùa cao điểm.
- Bali nóng quanh năm, nhưng những trận mưa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bạn nên mang theo áo khoác tránh mưa, giày đi bộ và leo núi, mũ, kem chống nắng và thuốc chống muỗi. |
Bài và ảnh: Nguyễn Phan Quế Mai
(Tạp chí Du lịch)