Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh nhận định, Yên Bái có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành Du lịch. Đặc biệt, nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt; nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập... Những yếu tố đó đã và đang trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 tác động đến du lịch Yên Bái khiến chỉ tiêu về du lịch năm 2021 của tỉnh đã không đạt mục tiêu đề ra; lượt khách du lịch chỉ đạt trên 88% kế hoạch, trong đó khách quốc tế giảm trên 90% so với năm 2020.
“Thông qua hội nghị, tỉnh Yên Bái mong muốn các đại biểu đánh giá những thách thức, khó khăn; làm rõ những cơ hội, lợi thế và các giải pháp hiệu quả để phát triển du lịch thích ứng an toàn trong thực tế sinh động khi trở lại điều kiện bình thường mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bày tỏ.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện tiềm năng, thực trạng, tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch Yên Bái. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lữ hành, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng và chất lượng, giúp du khách có trải nghiệm du lịch trọn vẹn nhất khi đến với Yên Bái. Hội nghị cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể, cách làm và lộ trình phù hợp với điều kiện địa phương để phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái trong tình hình mới. Cũng tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đánh giá cao kết quả phát triển du lịch Yên Bái trong thời gian qua. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Thông qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ tại hội nghị, tôi tin rằng chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Yên Bái sẽ đem lại kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước”.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn ghi nhận hội nghị kích cầu phát triển du lịch Yên Bái được tổ chức đúng thời điểm, là diễn đàn để cùng bàn bạc chỉ ra những cơ hội, thách thức, cũng như các giải pháp, cách làm hay, hiệu quả để phục hồi du lịch tỉnh Yên Bái. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá cao sự chung tay góp sức của các sở, ngành, các cấp chính quyền các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh và người dân trong xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, đội ngũ nhân lực và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, bản sắc của Yên Bái thời gian qua.
Ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: “Du lịch Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Hệ thống hạ tầng du lịch còn chưa thực sự phát triển; các sản phẩm du lịch tại một số địa phương chất lượng còn hạn chế, chưa thật sự thu hút du khách. Việc thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch chưa đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng; nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu và tính chuyên nghiệp chưa cao; công tác tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự hiệu quả… Việc Yên Bái tổ chức hội nghị kích cầu du lịch sẽ là cơ hội lớn để Du lịch Yên Bái tái khởi động sau thời gian khó khăn do dịch bệnh, khắc phục các hạn chế, tồn tại, củng cố, nâng cao chất lượng và phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đồng thời chỉ đạo một số điểm cần lưu ý trong phát triển du lịch địa phương thời gian tới. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền Yên Bái tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về quan điểm, chủ trương và vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phục hồi và phát triển ngành kinh tế du lịch. Hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm đang có; xây dựng sản phẩm mới đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn riêng có theo hướng xanh, bền vững.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…; thường xuyên tổ chức đón các đoàn khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ để kết nối tour tuyến đón khách du lịch đến tỉnh Yên Bái; đa dạng hóa các kênh truyền thông, xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội; triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với các địa phương trong nước cũng như quốc tế. Thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch. Củng cố phát triển nguồn nhân lực bảo đảm cho việc phục hồi du lịch; tập trung nâng cao chất lượng các lớp đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch; có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động chất lượng cao, đảm nhiệm các công việc đặc thù. Mặt khác, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ; hỗ trợ tối đa để giúp đỡ các nhà đầu tư triển khai, hoàn thành các dự án khu, điểm du lịch.
Trong khuôn khổ hội nghị, Yên Bái đã ra mắt phim du lịch “Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” và tổ chức ký kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng đã trao bằng khen cho 6 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển du lịch Yên Bái giai đoạn 2020 –2021.
Trước đó, từ ngày 17/4, Hiệp hội du lịch Yên Bái đã tổ chức chương trình khảo sát, liên kết, phát triển sản phẩm du lịch Yên Bái năm 2022.
Thanh Minh