Xung quanh việc thi công một số hạng mục ở Choản Thẻn (Y Tý, Lào Cai): có nghiêm trọng như cộng đồng mạng chia sẻ?
Việc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đơn vị chủ đầu tư Dự án bảo tồn thôn truyền thống văn hóa dân tộc Hà Nhì tại thôn Choản Thẻn, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai), trong đó có hạng mục lan can bao quanh 2 cây dẻ sồi cổ thụ (còn gọi là cây song song) – một điểm checkin rất quen thuộc của du khách khi đến Y Tý và Chòi ngắm cảnh phục vụ du khách… đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày vừa qua. Cộng đồng mạng cho rằng, nguy cơ tác động đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, vẻ đẹp nguyên sơ của điểm đến là điều chắc chắn sẽ xảy ra; thậm chí nhiều người lo ngại Choản Thẻn sẽ mất khách du lịch bởi không còn gi��� được nguyên trạng…
Quả thực, hình ảnh những cột thép đồ sộ găm thẳng xuống nền đất sát gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, sẵn sàng cho một móng nhà kiên cố cùng với kè đá “bo viền” tạo nên thế “vuông thành sắc cạnh” cho 2 gốc cây và nền bê tông phằng lỳ thay cho nền đất, bao bọc xung quanh là hàng lan can thép vô hồn… đã khiến cư dân mạng “sôi sùng sục”, đến mức UBND tỉnh lập tức ra văn bản Khẩn trong ngày 23/6, yêu cầu “Sở VHTTDL tạm dừng thi công hạng mục Chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn; tiến hành rà soát, nghiên cứu lại hồ sơ thiết kế, đề xuất phương án, báo cáo UBND tỉnh xem xét trước ngày 30/6/2021”.
Sự việc có thực sự nghiêm trọng như cộng đồng mạng chia sẻ? với tất cả sự thận trọng, khách quan, trên tinh thần xây dựng, Tạp chí Du lịch đã trao đổi với các bên liên quan để làm rõ vấn đề, ngõ hầu để bạn đọc có cái nhìn tích cực, cùng suy ngẫm và với tinh thần đó, hoàn toàn có thể chung tay cùng địa phương trong việc xây dựng điểm đến...
Trả lời câu hỏi Tạp chí Du lịch đặt ra về mục đích của dự án, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai khẳng định, các hạng mục thi công đã được Bộ VHTTDL phê duyệt trong Dự án Bảo tồn thôn truyền thống văn hóa dân tộc Hà Nhì (triển khai tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) tại Quyết định số 4051/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2017 và Quyết định số 4222/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 của UBND tỉnh Lào Cai.
Ông Thắng cho biết, năm 2019, Sở VHTTDL Lào Cai và UBND huyện Bát Xát đã tiến hành khảo sát, thống nhất các hạng mục thi công.
“Theo yêu cầu của địa phương, hàng rào lan can được dựng lên nhằm đảm bảo an toàn, tránh các sự cố đáng tiếc bởi khu vực này có địa hình thoai thoải, nhiều cháu nhỏ chơi trò lao dốc bằng xe đạp gỗ. Tuy nhiên khi dựng lên thì nhận thấy không phù hợp nên đã chủ động dừng thi công”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Bát Xát xác nhận, các hạng mục tại khu vực cây cổ thụ đều có sự thống nhất với địa phương, tuy nhiên, do một số sơ xuất trong quá trình thi công đã dẫn tới những sự cố đáng tiếc vừa qua.
“Ngay sau khi nắm bắt được phản ứng của người dân về việc lan can khu vực cây cổ thụ ở Choản Thèn không phù hợp với văn hóa dân tộc bản địa, sáng ngày 23/6, chúng tôi (UBND huyện Bát Xát-PV) và Giám đốc Sở VHTDL Lào Cai đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, tiến hành dỡ bỏ lan can, tháo cột và phá bỏ kè bê tông, trả lại hiện trạng. Các đơn vị liên quan chấp hành nghiêm văn bản của tỉnh”, ông Huy nói.
Ông Lê Anh Đại, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Lào Cai cho hay, “khu vực này ở địa thế khá cao nên việc dựng lan can cũng có tác dụng nhất định trong việc đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ khi vui chơi tại đây, tuy nhiên, tâm lý du khách khi đến khu vực miền núi đều mong muốn được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh quan nguyên sơ, không có tác động của con người vào thiên nhiên. Do đó khi thấy một số hạng mục được thi công, nhiều người phản ứng cũng là điều dễ hiểu”.
Anh Tô Bá Hiếu, một người hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Sapa (cũng là người sáng tác ảnh) chia sẻ với Tạp chí Du lịch, địa điểm cây cổ thụ bất cứ ai chơi ảnh đều biết, rất nhiều thành viên trong các diễn đàn nhiếp ảnh đều mong muốn được lên đây một lần để chụp bằng được góc ảnh này, nếu bê tông hóa thì rất đáng tiếc, coi như xóa sổ một điểm du lịch hấp dẫn. Rất may là dự án đã dừng lại kịp thời, hy vọng sẽ có phương án hợp lý hơn.
Đồng quan điểm, anh Ly Xá Xuy (chủ một homestay tại Choản Thẻn) cho rằng, nét độc đáo của Y Tý là sự nguyên sơ. Nếu mất đi cái này Y Tý chẳng còn gì hấp dẫn nữa. Trước đó, trên trang facebook cá nhân, tài khoản Ly Xá Xuy bày tỏ sự tiếc nuối “nếu một ngày nào đó du khách đến với Y Tý không còn muốn chụp ảnh checkin với 2 cây thần thánh nữa chỉ vì nó mất đi vẻ đẹp vốn có của nó vì tác động của con người. Đấy không phải lỗi của bà con thôn Choản Thẻn… cũng chẳng phải lỗi của 2 cây… còn quá nhiều cái cần làm sao không làm trước nhỉ, trong tương lai gần mọi người sẽ chỉ ngắm nó và hồi tưởng qua những bức ảnh mà thôi”.
Đánh giá cao động thái dứt khoát của UBND tỉnh, tinh thần cầu thị của chủ đầu tư là Sở VHTTDL Lào Cai và chính quyền địa phương, Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành nhiều năm gắn bó với Choản Thẻn, Y Tý nêu ý kiến, trước đây Choản Thẻn chỉ là điểm tranh thủ ghé qua chốc lát trong hành trình khám phá Y Tý, do cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở lưu trú, dịch vụ không có gì. “Chúng tôi rất mong muốn đưa khách đến và lưu lại một đêm tại Choản Thẻn để du khách trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của đồng bào Hà Nhì, nhưng dịch vụ không đáp ứng được nên đành chịu. Có một nghịch lý là nếu tính về số lượng thì khách đến Choản Thẻn khá lớn, nhưng hoàn toàn không mang lại nguồn thu nào người dân. Dự án bảo tồn văn hóa của đồng bào Hà Nhì rất có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy để thúc đẩy du lịch phát triển, mang lại thu nhập cho bà con. Mới đây Choản Thẻn được công nhận là điểm du lịch sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, níu chân du khách lưu trú trải nghiệm văn hóa của đồng bào. Theo tôi hiểu, việc xây dựng các hạng mục cũng chỉ hướng tới mục đích này”, vị này nói và cho rằng, khi dự án mới đang hình thành, cộng đồng chưa rõ thì nên tìm hiểu kỹ trước khi chia sẻ trên mạng xã hội. “Trước đây nhà đầu tư triển khai dự án tại Fanxipan và một số nơi khác cũng bị dư luận ném đá vô tội vạ, nhưng đến bây giờ thì không ai dám phủ nhận kết quả mà các nhà đầu tư đã mang lại”, vị này nói.
Theo ghi nhận của Tạp chí Du lịch, thời điểm hiện tại mặc dù các cột bê tông, hàng rào lan can sắt đã được tháo dỡ, nhưng cảnh quan đã bị biến dạng khá nhiều; địa hình thoai thoải kiểu “giật cấp” từ gốc cây xuống khu ruộng bậc thang phía dưới đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một “bức” kè bê tông dựng đứng và điều đáng nói hơn – khi hàng rào đã được dỡ đi vô hình trung đã tạo nên một “chiếc bẫy” cực kỳ nguy hiểm với bất kỳ ai khi đến khu vực này, chi sơ xẩy một chút là có thể ngã xuống phía dưới.
“Nếu kè bằng đá xếp tự nhiên thì rất tuyệt, vẫn giữ được đất và không tác động đến địa hình, nhưng đổ bê tông là hỏng. Nên xử lý phải dứt điểm”, vị giám đốc doanh nghiệp lữ hành nói.
Được biết, khu vực trồng hai cây cổ thụ không chỉ là điểm checkin được du khách yêu thích, mà còn là nơi diễn ra các nghi lễ của đồng bào Hà Nhì, trong đó có lễ mở cửa rừng đầu năm và lễ hội Khô Già Già với ý nghĩa cầu mùa màng, diễn ra tháng 6 âm lịch.
Hướng giải quyết tiếp theo như thế nào để vừa giữ được cảnh quan nguyên sơ của điểm du lịch vừa mới được công nhận này đồng thời với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn cho người dân du khách là câu hỏi dư luận đang chờ lời giải đáp từ phía tỉnh Lào Cai và các sở, ngành liên quan.
Việt Hùng