Đi xuyên qua màn sương mù đặc quánh, tưởng như đất trời miền Tây Bắc đang ngủ quên. Ở đây, nhà cửa, núi đồi, cây cỏ như được ướp trong màn sương tinh khiết. Phía trên kia, phía rừng quốc gia Thượng Tiến vẫn một màu xanh huyền bí, nơi có những chiếc lá dong được những cư dân Việt - Mường hái về để nấu những chiếc bánh chưng từ những hạt gạo chắc mẩy mang hương vị ngọt ngào từ phù sa sông Đà, sông Bưởi, sông Bôi...
.jpg)
Mùa xuân, vào với Mường Động, nơi dòng sông Bôi quanh năm sâu lắng, trữ tình, du khách cảm nhận được không khí thanh bình mà ấm áp của các làng Mường cổ. Từ đêm giao thừa, khi đất trời chuyển giao, như có thêm một nguồn sinh khí mới, tiếng chiêng đã vang lên khi phường bùa đi đến các nhà. Tục sắc bùa (xéc bùa) đã có từ bao giờ? Chẳng ai có thể nhớ được. Chỉ biết rằng, nó xua đuổi cái rủi, đem về cái may mắn cho gia chủ. Nếu được đón mùa xuân trên nhà gác (nhà sàn) trong thời khắc ấy, chỉ cần nghe tiếng chiêng, tiếng chúc tụng ta đã đủ thấy lòng mình náo nức. Nếu sớm hơn, du khách có mặt ở đây từ chiều ba mươi tết, để cảm nhận thêm không khí chuẩn bị tết khi nhà nhà đều mổ lợn. Giống lợn của bà con bản Mường nhỏ bé, quanh năm ăn các loại ngô, rau, củ..., có những đường dọc trên lông nhìn như những trái dưa. Thịt lợn được ngả ra làm bánh chưng, các em bé chạy quanh với niềm vui rộn rã.
.jpg)
Mùa xuân đến rồi, đất Mường mở hội. Lịch của người Mường có ngày lui, tháng tới. Theo bà con lên với hội đu Mường Vôi để thưởng thức những màn đu của các đôi trai gái. Những cây đu làm từ cây tre được người thợ dân gian khéo léo đan cài để tạo nên độ chắc khỏe mà vẫn có được những nét mộc mạc. Trong trang phục dân tộc Mường quyến rũ, những tà áo trắng, thắt lưng xanh, dây sà tích bạc của các cô gái Mường cùng những chàng trai Mường khỏe mạnh, tuấn tú cũng làm nên vẻ đẹp ngày xuân.
Lên với hội Khai hạ Mường Bi, du khách được xem những màn rước kiệu, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cầu mong nhà nhà no ấm. Vui nhất là phần lễ, lễ hội xứ Mường mở ra cho mọi lứa tuổi. Có những khi, tưởng như tàn cuộc hát đối, còn lại một người già, một chàng trai trẻ. Họ hát như thể đã gặp được người tri kỉ, hát như để níu chân nhau lại với hội, với đất trời xứ sở này.

Trên nền trời xanh, những quả còn bay trong nắng ấm dệt nên bức tranh ngày xuân đất Mường. Bên cửa voóng nhà sàn, hoa đào khoe sắc nghiêng vào như muốn đem đến những gì tươi đẹp nhất. Dưới kia, dưới những cánh đồng ngàn tuổi, mạ non ngày nào đã bén rễ lên xanh. Cây nêu vẫn đón cơn gió vi vút trên nền trời. Du khách cũng được đắm chìm vào men nồng của những vò rượu cần, của hương hạt dổi, của lòng người hồ hởi, hiếu khách…
Phương Mai
Tạp chí Du lịch