Xây dựng và quản lý tốt điểm đến góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển Du lịch Việt Nam
Năm 2019, Du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh từ 75/141 năm 2015 tăng lên vị trí 63/140 nền kinh tế. Năm 2019 cũng là năm mà Du lịch Việt Nam ghi đậm dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều giải thưởng lớn có uy tín, đặc biệt là danh hiệu Điểm đến di sản hàng đầu thế giới và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới.
Để có được những kết quả trên có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác xây dựng và quản lý điểm đến, cải thiện hạ tầng du lịch, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch tại điểm đến có tầm quan trọng đặc biệt. Với nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý điểm đến nhằm tạo ra môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của điểm đến, trong những năm qua ngành Du lịch đã tập trung triển khai nhiều biện pháp trong quản lý điểm đến du lịch. Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trực tiếp tổ chức triển khai quyết liệt trong công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và quản lý điểm đến thông qua việc triển khai Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch; Kế hoạch số 1073/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; Quyết định số 4640/ QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 về ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch; Kế hoạch số 1075/KH-TCDL ngày 10/8/2018 về Phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm; Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 2/3/2017 về ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Hưởng ứng chủ trương và hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, các địa phương nhất là các địa bàn du lịch trọng điểm đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động, tiến hành các chiến dịch về tăng cường quản lý điểm đến, góp phần làm cho bức tranh của Du lịch Việt Nam thêm khởi sắc trong năm 2019.
Tính đến nay, đã có 32/52 đơn vị cấp tỉnh thành lập Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch; 793/1303 khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn cho khách du lịch; 51/63 tỉnh thành có đường dây nóng và bố trí nhân sự trực 24/24 để hỗ trợ khách du lịch. Chính quyền các cấp ở nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng… đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ đăng ký và niêm yết cam kết chất lượng dịch vụ, ứng xử văn minh du lịch. Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương tình trạng lừa đảo khách, hiện tượng xích lô, taxi bắt chẹt khách, ăn xin bán hàng rong chèo kéo khách được xử lý kịp thời và kiên quyết, có tác dụng răn đe rất hiệu quả. Công tác đảm bảo môi trường đã được nhiều địa phương triển khai kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng môi trường du lịch. Các chiến dịch làm sạch môi trường, đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý rác, nước thải được quan tâm đúng mức. Hầu hết các khu, điểm du lịch đã có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Nhiều sáng kiến về bảo vệ môi trường đã được các địa phương triển khai như: Thừa Thiên Huế có phong trào ra quân vệ sinh môi trường với “Ngày chủ nhật xanh”, chương trình “Bảo vệ dòng sông quê hương”, ngày hội “Đổi rác lấy quà tặng”; thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào Ngày hội sống xanh với chủ đề “Chống rác thải nhựa”; Công ty CP Du lịch Viettravel triển khai Đề án bảo vệ môi trường “Go Green - Du lịch không rác thải”… Các địa phương như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh… đã tổ chức tuyên truyền thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều tỉnh, thành tiến hành đánh giá điểm đến du lịch theo Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch, qua đó kịp thời điều chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý, đầu tư du lịch. Hệ thống các biển báo, biển chỉ dẫn các điểm đến, các khu điểm du lịch, tại hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ cũng được đầu tư thuận tiện cho khách tiếp cận điểm đến. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch được tiến hành thường xuyên trong năm đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại nhiều địa phương, công tác phối hợp liên ngành trong quản lý điểm đến với các lực lượng Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Ngân hàng… được tăng cường đã từng bước chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh dịch vụ du lịch.
Từ nỗ lực trong công tác xây dựng, quản lý điểm đến năm 2019, hình ảnh Du lịch Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn với khách du lịch. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng thì các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ Du lịch Việt Nam. Thành phố bên sông Hàn nổi tiếng thế giới với ngôi vị “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” gắn với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vào mỗi dịp hè. Thành phố Hội An được trao tặng danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019”. Đảo Ngọc - Phú Quốc, sở hữu nhiều bãi biển đẹp đã được xếp hạng là một trong những bãi biển quyến rũ nổi tiếng của thế giới như: Bãi Dài - top 5 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, Bãi Sao - bãi biển hoang sơ đẹp nhất thế giới hay Bãi Trường - bãi biển dài nhất Phú Quốc được du khách bình chọn là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước với sự xuất hiện của những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí chục nghìn tỷ đồng như FLC Hạ Long, khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Spa Halong, tổ hợp vui chơi giải trí Hạ Long Marina, công viên Đại dương Hạ Long, tổ hợp vui chơi giải trí có casino tại Vân Đồn, hệ thống các sân golf tại Hạ Long, từ đó đã tạo dựng cho Quảng Ninh trở thành điểm đến hiện đại và đẳng cấp…
Mặc dù kết quả đạt được rất lớn, những kết quả đạt được rất cơ bản nhưng nghiêm túc đánh giá thì công tác xây dựng và quản lý điểm đến du lịch còn nhiều yếu kém trong quá trình Du lịch Việt Nam vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển, nâng cao năng lực quản lý các khu, điểm du lịch. Mặc dù có cố gắng nhưng kết quả đạt được trong công tác đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn, an ninh trật tự tại các điểm đến du lịch vẫn chưa bền vững. Đội ngũ cán bộ quản lý tại các điểm đến du lịch còn yếu và thiếu, công tác thanh kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện chưa thường xuyên; nhận thức về vị trí và vai trò của ngành Du lịch trong các cấp, các ngành tuy đã chuyển biến nhưng vẫn chưa cao; công tác xúc tiến quảng bá các điểm đến và sản phẩm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp và thường xuyên; các chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển điểm đến du lịch còn thiếu.
Để làm tốt công tác xây dựng và quản lý điểm đến, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Du lịch Việt Nam, trong thời gian tới ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Triển khai các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án tổng thể Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch; Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số; Quyết định ban hành quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự du lịch nghỉ dưỡng; triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công tác quản lý điểm đến, quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn với khách du lịch quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch, cải thiện điều kiện, vệ sinh môi trường tại các khu điểm du lịch; phối hợp chặt chẽ các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các điểm du lịch, kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực như lừa đảo, ép giá, trộm cắp tại các điểm đến; quản lý công tác quy hoạch và đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với việc bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch. Đầu tư xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách, chú trọng đầu tư vào các khu, điểm du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá cho Du lịch Việt Nam.
Ba là, chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và gia tăng các dịch vụ giải trí hấp dẫn mang đậm bản sắc độc đáo văn hóa của địa phương, tạo lập hình ảnh vị thế riêng có, mang lại ấn tượng mạnh cho du khách. Thành lập và quản lý hiệu quả các trung tâm hỗ trợ khách du lịch và đường dây nóng tại các điểm du lịch. Mở rộng quảng bá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đại sứ du lịch tại các thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch về khả năng quản lý, nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về thị trường và ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường. Trong đó phải coi việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng mềm trong giao tiếp với du khách, tạo lập hình ảnh lễ phép, niềm nở, thân thiện với khách du lịch là yêu cầu tiên quyết của người lao động trong ngành Du lịch.
Năm là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của ngành Du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch; tiếp tụct ham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến du lịch, đặc biệt là những chính sách liên quan đến tháo gỡ khó khăn để gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp như các chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng du lịch, thuế sử dụng đất, thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển, trang thiết bị máy móc, có chính sách ưu tiên đầu tư cho các khu du lịch, chính sách visa, chính sách xã hội hóa trong du lịch,… các chính sách cần được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch, cụ thể, ổn định và dễ thực hiện.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động du lịch, trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch và có hình thức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có sáng kiến cải tiến chất lượng, cung cấp các dịch vụ chất lượng tốt, được dư luận và khách du lịch đánh giá cao.
Bước vào năm 2020 với vị thế của ngành được nâng lên, với đà tăng trưởng mạnh mẽ được tạo lập từ năm 2019 và những năm gần đây, chắc chắn Du lịch Việt Nam sẽ có bước bứt phá ngoạn mục để cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cùng với các lĩnh vực khác, nhiệm vụ xây dựng và quản lý điểm đến du lịch còn rất nặng nề. Nhận thức đúng và tập trung làm tốt công tác quản lý điểm đến sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Ngô Hoài Chung
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2020